Bất Bạo Động Đồng Nghĩa Với Độc Tài Cộng Sản Muôn Năm! Người Việt Phải Hành Động Để Tự Cứu Mình! Đừng Trông Chờ Bất Kỳ Ai. Blog hoạt động từ ngày 28 tháng 2 năm 2.012

Sự Thành Lập Đảng Việt Tân Trong Khu Chiến Ở Vùng Rừng Núi Biên Giới Thái – Lào



Phần Trích Trong
Hồi Ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước
 Của Phạm Hoàng Tùng.


CHƯƠNG 26

GIA NHẬP VIỆT TÂN

Nghe Nhà Văn Võ Hoàng
Giới Thiệu Về Đảng Việt Tân
Và Được Chiến Hữu Trần Khánh
Tức Nhạc Sĩ Khu Chiến Trần Thiện Khải
 Kết Nạp Vào Đảng Việt Tân.
Chủ Trương “Đảng Hóa” Mặt Trận.
Dữ Kiện Về Đảng Việt Tân
Từ Khu chiến Ra Tới Hải Ngoại.
(Bắt đầu viết vào ngày 1/12/2005.)


Ảnh nguồn: Hồi Ký Phạm Hoàng Tùng.
                          
        Những hoạt động liên hệ tới đảng Việt Tân ở khu chiến đã “rộ lên trong im lặng”, từ thời gian chuẩn bị công tác kháng quản xâm nhập Việt Nam. Sau đó là việc tiến hành kết nạp vào đảng nhiều kháng chiến quân, trước lúc khai triển chiến dịch Đông Tiến I.

        Mặc dù công tác giới thiệu, tiến hành lễ kết nạp cẩn thận và bí mật, chỉ những kháng chiến quân được kết nạp và cán bộ liên hệ tới công tác đảng được biết. Thế nhưng, các câu chuyện thì thầm giữa các bạn hữu trong đơn vị, vẫn diễn ra, về tin lãnh đạo MT đang tiến hành lập một chính đảng mới trong khu chiến, nhằm tổ chức hệ thống chỉ đạo cuộc kháng chiến chặt chẽ hơn, quy mô hơn.

        Sau khi chiến dịch Đông Tiến I tiến hành, toàn bộ khu chiến còn lại 3 Quyết Đoàn vũ trang và bộ phận Đài Phát Thanh Kháng Chiến. Lúc này, lãnh đạo MT thực hiện chủ trương đảng hóa MT, hầu như công khai.

        Chủ trương này đồng nghĩa với việc mở đợt tuyên truyền, giới thiệu, kết nạp hàng loạt kháng chiến quân vào Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng hay còn gọi tắt là Đảng Việt Tân. Xuyên qua việc thực hiện chủ trương “đảng hóa” MT vào quá giữa năm 1985, gần toàn bộ các kháng chiến quân ưu tú được kết nạp đảng.

Nghe Nhà Văn Võ Hoàng
Giới Thiệu Về Đảng Việt Tân

        Một buổi trưa tháng 8/1985, ở căn cứ 27, sau khi ăn cơm xong tại nhà ăn tập thể, dành cho bộ phận biên tập cùng anh em bảo vệ Đài Phát Thanh, vào lúc hơn 11 giờ. Như thường lệ, tôi đeo khẩu Carbin trên vai, đi về hướng phòng biên tập đài phát thanh nằm trên lưng chừng núi căn cứ 27.

        Trước khi lên đến dãy phòng Ban Biên Tập, phải leo lên con dốc. Đầu dốc là tảng đá lớn, gần như bằng phẳng, nằm nghiêng nghiêng theo độ dốc không cao lắm. Phía bên phải tảng đá là chòi lá nhỏ, nơi chiến hữu Võ Hoàng ở và làm việc, thời gian này đã thay cho chiến hữu Hoàng Nhật làm Trưởng Đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến.

        Tôi đang lần từng bước chân trên một thang dây rừng do chiến hữu Võ Hoàng bỏ công ra chặt những sợi dây leo lớn bằng cườm tay người và bện thành chiếc thang treo, đặt nằm sát trên tảng đá, giúp cho mọi người khi đi trên tảng đá vào mùa mưa, không bị trơn trợt.

        Có lẽ hôm nay khác hơn mọi hôm, anh Võ Hoàng có ý đợi tôi từ vài phút trước. Nhà chòi anh ở, nằm không xa lối đi, nên anh dễ nhận biết giờ giấc anh em trong Ban Biên Tập đi qua nơi này, trước khi lên núi, vào các chòi lá nghe tin, viết bài cho Đài.

        Tới ngang chòi, tôi nghe anh Võ Hoàng kêu một tiếng quen thuộc “Chiến hữu Tùng”, rồi mời tôi vào căn chòi. Tôi biết chiến hữu Trưởng Đài có việc cần muốn nói chuyện nên bước ngay vào, cười thân tình, cúi đầu chào anh. Mở đầu câu chuyện, chiến hữu Võ Hoàng hỏi thăm về công việc viết bài, sau đó tự giới thiệu nội dung câu chuyện anh muốn trình bày buổi trưa nay.


Chiến hữu Võ Hoàng (khoanh tròn ở giữa)
 từ khu chiến về tham dự
Đại Hội Trưởng Cơ Sở ngày 17-19/1/1986
 tại Los Angeles, Mỹ.
Ảnh nguồn: Hồi Ký Phạm Hoàng Tùng.

        Chiến hữu Võ Hoàng nói qua về nhu cầu của lãnh đạo MT muốn thành lập một đảng cách mạng trong khu chiến, anh giới thiệu thêm về chính đảng mang tên Việt Tân. Và ý anh thăm dò tôi có muốn tham gia hoạt động cho Việt Tân hay không. Trong trường hợp tôi đồng ý, chiến hữu Võ Hoàng sẽ đứng ra giới thiệu tôi với chi bộ đảng Việt Tân trong Đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến.

        Những tin tức liên hệ về một chính đảng mới trong khu chiến, tôi có nghe loáng thoáng không chính thức, trước đây rồi. Nay được nghe chiến hữu Võ Hoàng trân trọng giới thiệu, tôi đồng ý. Vì trong khu chiến sự lãnh đạo của MT gần như tuyệt đối, nếu không muốn dùng từ tuyệt đối.

        Trong guồng máy kháng chiến đang vận hành tại khu chiến, tôi là thành viên trong đó. Tất nhiên muốn nó chạy nhanh, mang lại nhiều hiệu quả cho cuộc đấu tranh chung của dân tộc Việt. Sự chấp nhận vào đảng Việt Tân cũng đương nhiên như khi tôi tự nguyện chấp nhận vào MT, rồi đi vào khu chiến công tác, học tập, làm việc, sau đó không lâu. Vì lòng nhiệt tình với quê hương, không thắc mắc, không đòi hỏi, cũng không phân vân tính toán cho riêng mình.

        Cuối buổi nói chuyện, chiến hữu Võ Hoàng ngỏ ý muốn tặng tôi cái đồng hồ hiệu Timex mặt vàng, mỏng, dây cao su màu đen, anh đang đeo trên tay. Cái đồng hồ đã cũ, nhưng tôi vui vẻ nhận, vì đây là món quà nhỏ của anh Võ Hoàng, một chiến hữu trong khu chiến.

        Thời gian này, chiến hữu Võ Hoàng về khu chiến được chừng một năm. Lúc đầu chúng tôi được nghe cấp trên giới thiệu anh là Tổng Thư Ký Hội Văn Nghệ Sĩ Kháng Chiến, sau đó, anh thay cho chiến hữu Ngô Chí Dũng tức Hoàng Nhật tạm điều hành công việc hàng ngày ở Đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến.

        Có thể lúc này, chiến hữu Hoàng Nhật đảm nhận công việc khác quan trọng hơn, đó là công tác liên hệ tới tổ chức Việt Tân trong khu chiến. Như phụ giúp lãnh đạo MT tiến hành công tác “đảng hóa” MT, chuẩn bị biên soạn tài liệu về dự thảo đảng thuyết, sinh hoạt đảng, chuẩn bị tổ chức đại hội các đảng bộ Quyết Đoàn, cho thành lập các chi bộ đảng ở các đơn vị, lựa chọn nhân sự cho tổ chức đảng trong khu chiến...

        Thời gian công tác tại đài phát thanh, khi đã di chuyển về căn cứ 27. Qua theo dõi các bài được phát thanh hàng ngày, tôi có thể biết chiến hữu Võ Hoàng phụ trách viết các bài phân tích về Cương Lĩnh MT, các bài quan điểm MT liên hệ tới chủ trương trường kỳ kháng chiến, các bài nhận định về tình hình Việt Nam.

        Điều này chứng tỏ đã có thay đổi quan trọng trong việc điều hành đài cũng như biên tập, từ lúc tôi được về công tác tại đài phát thanh vào giữa năm 1984. Dạo đó, anh em còn ít, các bài quan trọng trong chương trình phát thanh hàng ngày đều do chiến hữu Chủ Tịch viết, với các bút danh khác nhau.

        Cạnh đó, là cây viết chủ lực Ngô Chí Dũng, thường ký tên Ngô An trong các bài nhận định sắc sảo có liên hệ tới đường lối đấu tranh của MT. Cũng như những bài nhận định tình hình về đảng cầm quyền Việt Cộng đang sa lầy trong bãi sình lạc hậu của nền kinh tế Việt Nam dưới sự thống soái của kinh tế quốc doanh nợ ngập đầu.

        Thêm điều nữa, khi chiến hữu Võ Hoàng mời tôi nghe anh nói chuyện về đảng, tức anh đã vào đảng trước tôi. Lúc đó, có thể các anh em hải ngoại về khu chiến đang công tác tại đài phát thanh đã được kết nạp đảng trước. Sự việc này có thể chứng minh rằng, lãnh đạo MT thời kỳ đó, tin cậy anh em đoàn viên ở hải ngoại nhiều hơn các anh em tham gia MT từ các trại tị nạn!? Mặc dù nhân lực hợp thành khối nhân sự đáng quí cho MT vào giai đoạn đó, phần lớn được thu nhận hay tình nguyện, qua ngã trại tị nạn đường bộ hay đường biển.

       Thời gian sau, khi chi bộ đảng trong Ban Biên Tập đài phát thanh được thành lập, chiến hữu Nguyễn Đức Thắng - thường ký tên Vũ Duy khi viết bài - được chỉ định tạm thời vai trò bí thư chi bộ, trong lúc chờ ngày bầu cử chi bộ đảng Việt Tân (khi tiến hành bầu cử, tôi đã rời Đài và công tác tại đơn vị võ trang 7686, nên không biết ai là bí thư chi bộ).

        Chiến hữu Thắng tham gia sinh hoạt MT từ hồi còn ở bên Tây Đức. Thắng, sinh năm 1956, trước tôi một năm, quê Gia Kiệm - Hố Nai, sau này thuộc Huyện Thống Nhất, Tỉnh Đồng Nai, thuộc gia đình công giáo di cư vào miền Nam từ năm 1954. Anh vượt biển từ ngã Vũng Tàu vào các năm 1977 - 1978, sau đó định cư ở Tây Đức rồi tình nguyện về khu chiến.

        Chính Nguyễn Đức Thắng giữ vai trò biên tập viên cho đài phát thanh khi dời ra căn cứ 16 mới thuộc tỉnh U Bon (sâu vào đất Thái hơn), vào lúc khu chiến hầu như giải tán sau chiến dịch Đông Tiến II lần 2. Thắng có thể đã biết được ít nhiều về tung tích (chết hay còn sống hoặc mất tích!?) của chiến hữu Ngô Chí Dũng và kháng chiến quân Võ Sĩ Hùng (từ Pháp về tham gia kháng chiến).

        Vì hai nhân vật này, thời gian đó, cũng làm việc sát cạnh với chiến hữu Nguyễn Đức Thắng. Trong thời gian làm việc tại đài, chiến hữu Thắng và anh Võ Hoàng khá thân thiết, vì tính tình hiền lành của anh Võ Hoàng, nên anh em làm việc chung dễ mến anh...

        Năm 1996, tôi có gặp ông Nguyễn Kim (Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại, năm 2004 là Chủ Tịch đảng Việt Tân), tại Băng Cốc, tôi có hỏi tin tức liên quan tới anh em trong Ban Biên Tập Đài Phát Thanh Kháng Chiến. Ông Nguyễn Kim nói rằng Nguyễn Đức Thắng đã được MT cho ra trại tị nạn để rời khỏi đất Thái, nhưng tôi không biết hư thực như thế nào? Thắng có trở về Tây Đức hay không? Trong trường hợp Nguyễn Đức Thắng còn ở lại Thái, có thể sinh mạng của Thắng cũng mù mờ như trường hợp anh Ngô Chí Dũng, nếu không muốn nói là đã chết hơn 15 năm rồi.

        Hy vọng khi quyển Hồi Ký này ra mắt người đọc khắp nơi, nếu không bị áp lực của đảng Việt Tân, do nhu cầu tiếp tục “bảo mật”, dù đã gần hai thập niên, gia đình anh Thắng ở Tây Đức có thể lên tiếng xác nhận về hành tung của anh Thắng. 

Và Được Chiến Hữu Trần Khánh
Tức Nhạc Sĩ Khu Chiến Trần Thiện Khải
 Kết Nạp Vào Đảng Việt Tân


Người đứng góc phải là chiến hữu Trần Khánh
tức Trần Thiện Khải,
  kháng chiến quân ngồi ở góc trái
 là Đinh Văn Bé,
kháng chiến quân ngồi ở góc phải,
 quấn khăn rằn là Luu Minh Hưng.

        Khoảng nửa tháng sau, vào tháng 9/1985, tôi được lịnh đi về công tác tại căn cứ 81 trong thời gian ngắn. Khi đi chỉ có một ngày, chắc công việc không nhiều, lý do cùng việc sẽ làm không được cho biết. Đây là thông lệ trong khu chiến, chính vì thông lệ bảo mật này, nhiều người vi phạm kỷ luật, khi bị dẫn đi bắn, vẫn chưa biết mình sẽ bị giải đi đâu.

        Lịnh ban xuống thì cứ đi cùng vài chiến hữu có trách nhiệm đưa tôi tới vị trí công tác. Lên tới căn cứ 81, không khí vắng lặng hơn trước đây, vì cả Quyết Đoàn vừa rời khu chiến không bao lâu, để tham dự chiến dịch Đông Tiến I, chưa kể số anh em đã tham dự công tác kháng quản trước đó mấy tháng.

        Nhiều gương mặt quen thuộc, thân ái trước đây, tôi không còn trông thấy nữa (tôi vẫn chưa biết là sẽ không bao giờ gặp lại các anh em thân thương được lần nữa). Một ít băn khoăn, do dự, một ít luyến tiếc cái gì đó, khi nhìn thấy cảnh cũ hơn mười hai tháng về trước, không còn nguyên vẹn!

        Từ bản doanh ở căn cứ 81, tôi được đưa về tiền đồn Bạch Mã, không xa mấy. Cũng nơi này, khi vừa mãn khóa kháng chiến quân căn bản vào tháng 3 năm 1984, tôi được gặp chiến hữu Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh trong khu chiến lần đầu tiên.

        Chuyến về tiền đồn Bạch Mã lần này, có khác hơn, khi tôi bước vào căn nhà lá nhỏ được sửa soạn trước đó. Trên cái bàn tre đặt ở giữa, có bàn thờ tổ quốc đơn giản nhưng nghiêm trang, gồm lư hương, một lon nhỏ cắm vài nhánh hoa rừng. Phía trên vách lá, có treo lá cờ vàng ba sọc đỏ quen thuộc, bên dưới liền đó, là lá cờ nền xanh da trời có đóa hoa “Việt Tân” (tựa như hoa mai) sáu cánh màu trắng nằm ngay trung tâm của nền xanh tượng trưng cho hòa bình, đây là cờ đảng Việt Tân.

        Màu sắc lá cờ Việt Tân khi trông vào, cho người nhìn ấn tượng dịu mắt, hiền hòa chứ không chói chang sặc sỡ như lá cờ đảng cộng sản, với màu đỏ vàng và quái tượng búa liềm ghê rợn sát khí. Cờ đảng cộng sản Việt Nam hay cộng sản quốc tế, dùng biểu tượng búa - liềm, một mặt tượng trưng cho hai giai cấp công nhân và nông dân, hai giai cấp nồng cốt trong cuộc cách mạng vô sản nhưng không quyền hành, chỉ là công cụ vô tri cho tầng lớp chủ nô mới trong thế kỷ 20.

        Mặc khác, biểu tượng của lá cờ đảng cộng sản cũng không loại trừ ý định, đó là vũ khí của cuộc cách mạng chấp nhận đổ máu, chấp nhận bạo lực, phải sử dụng bạo lực. Vũ khí, sắt máu, đẫm máu, được sử dụng như là bước tiên quyết cho cuộc cách mạng cộng sản. Không có hình ảnh hòa bình khi tạo ra - xây dựng xã hội mới, xã hội chủ nghĩa...

        Được chừng hơn 10 phút sau đó, tôi nghe chiến hữu trực tại khu vực, báo cho biết có chiến hữu Trần Khánh sắp xuống tới tiền đồn. Chúng tôi đứng nghiêm đón chào anh Khánh, theo thủ tục chào kính trong khu chiến. Chiến hữu Trần Khánh vừa bước chân vào tiền đồn Bạch Mã là tiến thẳng đến căn nhà lá và vào việc ngay. Chiến hữu Khánh mời tôi bước vào đứng trước bàn thờ tổ quốc, anh nói ý nghĩa cuộc gặp ngày hôm nay là tiến hành làm lễ kết nạp tôi vào đảng Việt Tân. Sau khi tôi đồng ý tham gia vào đảng, có sự giới thiệu của chiến hữu Võ Hoàng.

        Thủ tục diễn ra nhanh, gọn, trang trọng, tôn kính. Chiến hữu Trần Khánh đứng bên phải bàn thờ tổ quốc, còn tôi quỳ một chân trước bàn thờ rồi giơ tay tuyên thệ vào đảng. Anh Khánh đọc mấy điều tuyên thệ cho tân đảng viên cùng trách nhiệm người tham gia vào đảng. Mỗi khi anh đọc xong một điều, tôi lại nắm chặt bàn tay phải thành nắm đấm cương quyết, rồi giơ cánh tay lên cao xin thề. Các thủ tục trong buổi lễ kết nạp đảng viên diễn ra suôn sẻ dường như được sắp đặt trước, hai người chỉ tiến hành trong vai trò đã biết của mình.

        Cuối buổi lễ, chiến hữu Trần Khánh thay mặt Trung Ương đảng bộ Việt Tân đặt đảng danh cho tôi là Phạm Trãi. Anh dùng câu chuyện Nguyễn Trãi thời Hậu Lê ra, dẫn dắt nguyên do vì sao cấp lãnh đạo đảng Việt Tân muốn tôi mang đảng danh, lấy từ tên một danh nhân lịch sử từng theo phò bậc anh hùng áo vải Lê Lợi chống quân Minh xâm lược.

        Nguyễn Trãi, một Đại Thần, một danh Nho, cũng là người bị bọn gian thần xu nịnh, xảo quyệt, khuynh loát Vua Lê, hãm hại ông với vụ án Lệ Chi Viên (vườn vải). Ông là mưu thần tài giỏi, người đã hết lòng phò tá Bình Định Vương Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, giành được độc lập tự chủ cho nước Việt Nam. Sau 10 năm gian lao, vất vả, vô vàn hy sinh trong rừng núi Chí Linh, hồi đầu thế kỷ XV.  

        Dường như đó là thông lệ có chủ ý, trong việc đặt đảng danh cho kháng chiến quân khi vào đảng Việt Tân. Mỗi anh em trong khu chiến khi vào đảng đều được lãnh đạo chọn trước một đảng danh, rút từ những sự kiện đáng nhớ trong lịch sử nước nhà, dựa vào đức tính, khả năng của kháng chiến quân có đôi chút tương tự với sự kiện hay nhân vật lịch sử đó. Điều này nhằm động viên tinh thần yêu nước của kháng chiến quân. Hãy noi theo gương tiền nhân để đóng góp cho dân tộc, cho tổ quốc Việt Nam.

Chủ Trương “Đảng Hóa” Mặt Trận

        Phần chắc khái niệm thành lập, tiến hành hoạt động chính đảng bên trong MT, nhằm điều khiển, lãnh đạo công cuộc đấu tranh kháng cộng - giải thể chế độ độc tài Hà nội, đã manh nha trong quan điểm vạch ra sách lược đấu tranh của những người lãnh đạo vào thời kỳ MT đã tạm ổn định việc xây dựng khu chiến.

       Tất nhiên việc lập chính đảng trong hoạt động cách mạng, đấu tranh đã có truyền thống -  mặc dù có thể không có sự đồng thuận của luật pháp, vì Việt Nam bị cai trị bởi Pháp - trong xã hội Việt từ thời kỳ Pháp thuộc. Khi quyền lực triều đình cùng những tổ chức cai trị phụ thuộc của hệ thống quyền lực quân chủ trở nên lỗi thời, không thể cứu dân cứu nước trước giặc ngoại xâm, tiêu biểu cho nền văn minh kỹ thuật đến từ phương Tây (nền văn minh này không hẳn đã lột hết sạch những điều dã man, thú tính trong con người. Khi xét trên cung cách hành xử trong quan hệ con người với con người. Vì thế, gọi một cách chính xác, cũng chưa văn minh!).

        Tất nhiên, không phải chỉ người Việt vào đầu thế kỷ 20 mới có sáng kiến thành lập đảng, họ ít nhiều đã chịu ảnh hưởng từ cách thức sinh hoạt trong đảng, hoạt động đảng ở xã hội, về lý thuyết đảng… từ Trung Hoa Quốc Dân Đảng, Đảng Cộng Sản Liên Sô hoặc Trung Cộng. Cũng không thể tránh ảnh hưởng của khái niệm chính đảng ở phương Tây lọt vào xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc qua sách báo bằng Pháp ngữ.

        Thời chiến tranh Việt Nam, miền Bắc bị thống thuộc tuyệt đối bởi đảng cộng sản Việt Nam với nội dung lý thuyết đảng vay mượn hoàn toàn, rập khuôn, sao chép, phiên dịch từ chính đảng vô sản lấy học thuyết đấu tranh giai cấp Mác - Lê của phong trào cộng sản quốc tế, làm nền tảng. Theo đó, con người trong xã hội, đảng viên trong đảng chỉ là công cụ thừa hành “ngoan ngoãn”, chấp hành tuyệt đối các mệnh lệnh của lãnh đạo đảng.

        Đảng như là khuôn mẫu thượng đế dự phóng (theo nội dung bất di bất dịch - khô đọng, không sinh khí - trong các nghị quyết hàng năm của bộ chính trị), có tính toàn năng, toàn quyền, toàn trị, mang năng lực khai sinh, sáng tạo, vẽ vời mô hình “phát triển” xã hội, và hủy diệt, đày ải mọi sinh vật đi bằng hai chân trong xã hội Việt do đảng làm chủ, làm chúa!

        Đảng, lãnh đạo đảng, là tập đoàn giáo chủ của dạng tôn giáo mới - cộng sản giáo - luôn luôn chất chứa tham vọng tóm thâu quyền lực, trong xã hội Việt Nam đang bị họ cầm tù.

        Bất cứ ai muốn thực hiện quyền suy tư độc lập, quyền nói, quyền đề ra chương trình hành động xã hội vì lợi ích cho người Việt, nhưng khác với kim chỉ nam Mác Lê, khác với lề thói suy nghĩ thủ cựu, độc tài của lãnh đạo đảng, sẽ bị phê phán không khoan nhượng, bị loại bỏ, bị thanh trừng, bị xã hội do đảng chỉ huy, điều khiển, coi là trái luật pháp, phản bội tổ quốc, phản bội đảng. Đồng nghĩa với “phản bội nhân dân” Việt Nam, tức là phản động, chống lại sự “tiến hóa” do đảng dựng nên!?

        Cạnh đó, lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, luôn nhân danh giai cấp công - nông, luôn nhân danh vì cuộc cách mạng tiên tiến trong thế giới con người, luôn nhân danh hòa bình, tự do, dân chủ, nhưng sẳn sàng trở thành độc quyền, độc tôn, hay trở thành các vua chúa hiện đại, đổi long bào thành áo đại cán.

        Và nay trong thời kỳ đổi mới, để khỏi bị tiêu diệt nhanh chóng bởi ý thức tiến bộ, lòng khát khao tự do của nhân dân Việt, quần áo đại cán kiểu Mao chủ tịch được đổi thành các bộ âu phục với cà vạt nghiêm chỉnh (ngay cả bí thư chi bộ xã cũng mặc) cho hợp thời trang, thân thiện với quần chúng hơn, để lãnh đạo đảng tiếp tục làm Hoàng Đế Việt Nam cai trị giai cấp công nông, cai trị giai cấp vô sản cùng “bọn tư sản và lớp nghèo thành thị”!

        Họ đã tận dụng được chiêu bài vô sản để thực hiện cách mạng cướp chính quyền không khước từ bất cứ bạo lực nào. Họ đã đẩy hàng triệu sinh mạng nông dân, công nhân, những người thuộc giai cấp cùng đinh, vào cuộc chiến tranh ý thức hệ đẫm máu giữa hai miền Nam - Bắc, vào cuộc chiến tranh giai cấp hư ảo làm chia rẽ trầm trọng xã hội Việt vốn hài hòa, cộng tồn giữa các thành phần xã hội, chỉ để thiết lập cùng bảo vệ chiếc ngai vàng của lãnh đạo đảng!
 
        Ở miền Nam trong thời kỳ Quốc - Cộng tương tranh dẫn tới tương tàn nhục nhã cho dân tộc Việt, có đảng Cần Lao của chế độ họ Ngô, sau này có đảng Dân Chủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Cạnh đó cũng có vài đảng đối lập, nhưng cũng hình thức, nửa vời, tiếng nói không được tôn trọng, việc hiện hữu của đảng không cầm quyền chỉ là sự trang điểm, phải được phép của chế độ.

        Vì trong chiến tranh, chỉ có giới quân nhân nắm nhiều quyền hành, có quyền định đoạt vận mệnh quốc gia - mặc dù có lúc cũng vô trách nhiệm khi đưa ra quyết định tối hậu - nên chính đảng kaki trở nên loại quyền lực mới, đáng sợ một cách đáng buồn. Trong xã hội miền Nam với tương lai luôn mong manh trước bóng ma ám, quỉ trù, được trang bị với bao họng súng hiện đại ngoại nhập, mang tính năng sát nhân tàn khốc, từ miền Bắc.

        Tại hải ngoại vẫn còn hậu duệ các chính đảng có lịch sử hoạt động chống thực dân Pháp từ thời Pháp thuộc, có duy trì hoạt động chừng mực ở miền Nam trong thời kỳ tương tranh Quốc - Cộng, nhưng hầu như đã mất chân đứng trong xã hội Việt Nam sau thời kỳ di tản 1975.

        Việc “đảng hóa” MT trong khu chiến Hoàng Cơ Minh vào thời kỳ 1985 đương nhiên là sự công khai hóa chính đảng mới, đảng Việt Tân, dám đứng ra nhận trách nhiệm cứu nước, cứu dân trước tổ quốc, trước dân tộc Việt Nam. Giai đoạn này cũng đánh dấu mốc mới, ngoài đảng cộng sản, người Việt đang đón nhận sự ra đời của thực thể chính đảng mới.

        Và trong điều kiện đa nguyên, đa đảng, dân chủ pháp trị ở tương lai, Việt Nam không giới hạn việc khai sinh các chính đảng tham gia chính trường. Tất nhiên, bản chất tự do thực sự, thực chất hoạt động vì dân chủ, vì quyền tự do của người Việt, thực chất các đóng góp lợi ích, tiến bộ cho xã hội của mỗi đảng, sẽ tự khẳng định vai trò, chỗ đứng trong xã hội, trong guồng máy quyền lực quốc gia của chính đảng đó.

        Trong chủ trương “đảng hóa” MT của lãnh đạo MT trong thời điểm 1985, khi mang ý định xây dựng đảng, nằm bên trong MT, chỉ huy MT, chỉ huy kháng chiến, dùng đảng viên, chi bộ đảng Việt Tân làm hạt nhân lãnh đạo cuộc đấu tranh kháng cộng độc tài, dễ gây cho người ta nghĩ rằng, hình thức tổ chức này tương tự như cấu tạo của đảng cộng sản.

        Mặc dù bản chất, chương trình hành động đảng Việt Tân mang nội dung tự do, chấp nhận đa đảng, không có điều khoản quái gở, lạ lùng, mang tính quân chủ lạc hậu như điều IV của hiến pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. 

        Việc tiến hành công tác đảng hóa, nhằm từng bước đưa vai trò đảng Việt Tân vào sinh hoạt kháng chiến ở khu chiến, tạo cho kháng chiến quân nhận thức về khái niệm đảng dần dần. Đây là bước chuẩn bị cho việc xuất hiện một khuôn mặt chính đảng mới trong xã hội Việt Nam, qua các hoạt động kháng chiến ở nội địa, theo dự phóng.

        Đồng thời sẽ cho trình diện chính đảng này trong các cộng đồng Việt Nam lưu vong. Như là cách thức tạo chính danh cho một đảng đối lập, đối trọng với đảng cộng sản Việt Nam đương cầm quyền hiện tại, mà đường lối của đảng cộng sản, không bao giờ chấp nhận đảng đối lập thực sự trong xã hội Việt Nam.

        Mặc dù cạnh tranh chính trị, bình đẳng, tôn trọng nhau, sử dụng phương tiện hòa bình, trong khuôn khổ luật pháp tiến bộ là quy luật tự nhiên trong nền chính trị tự do, đa đảng. Và trách nhiệm xây dựng quốc gia không phải là độc quyền của bất cứ ai, bất cứ chính đảng nào.

        Sau này, khi tiến hành xong công tác đảng hóa MT, nhưng trong lực lượng vũ trang kháng chiến, kháng chiến quân vẫn quen sinh hoạt theo cấp võ trang. Có thể, đa số người ở miền Nam có thói quen không coi đảng là “hạt nhân lãnh đạo xã hội”.

        Đảng là cần thiết trong môi trường chính trị ngày nay, nhưng nó không tuyệt đối, nó không phải là thượng đế, nó cũng không phải là quyền lực bao trùm cả xã hội hay nó - đảng - muốn gì cũng được. Và tất nhiên, xét trên quyền tự do suy nghĩ, quyền tự do chọn lựa, không phải ai cũng muốn vào đảng hay thích hoạt động đảng phái.

        Đó là chưa xét đến uy tín chính đảng, khiến cho người ta ngần ngại, nghi ngờ, lo sợ hay chán ghét đôi khi thù hận, bởi vì có người lập đảng để mưu cầu danh lợi.

        Thật vậy, có người lập đảng để dùng bạo lực khống chế người khác, tổ chức hoạt động thanh trừng, khủng bố, ám sát thủ tiêu những ai không giống ý với mình, có người lập đảng chỉ làm cho xã hội thụt lùi thêm, lạc hậu hơn trước khi xã hội có đảng, có người lập đảng chỉ để kinh doanh chính trị, ngay cả còn to gan, lớn mật dám “kinh doanh cách mạng”, lường gạt trắng trợn niềm tin của đồng hương hải ngoại, của cả dân tộc, chỉ để kiếm Mỹ kim, tích lũy ngoại tệ, làm giàu cho bản thân lãnh tụ đảng, gia đình lãnh đạo đảng và phe phái mình.


Ghi chú: Hình chụp buổi nói chuyện
của Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh
với các đảng viên Việt Tân
trong một hội trường ở khu chiến.
Phía trước mặt các đảng viên là hai lá cờ.
Lá cờ treo bên trên là cờ vàng ba sọc đỏ,
lá cờ treo dưới với nền xanh,
giữa nền xanh hòa bình
có đóa hoa “Việt Tân”
 (tựa như hoa mai)
sáu cánh màu trắng là đảng kỳ Việt Tân.
 Thời gian chụp hình có thể vào năm 1985.
Ảnh nguồn: Hồi Ký Phạm Hoàng Tùng.

        Khi tiến hành công tác đảng hóa Mặt Trận, đồng nghĩa với việc chuyển đổi sinh hoạt đấu tranh của người kháng chiến quân lên một bước cao hơn, sau thời gian anh em được rèn luyện trong môi trường gian khổ ở khu chiến cách mạng.

        Vị thế sinh hoạt cao hơn, chặt chẽ hơn, đó là khuôn khổ sinh hoạt của đảng viên trong chính đảng cách mạng, được ra đời trong hoàn cảnh người Việt lưu vong đang tiến hành công cuộc giải thể chế độ độc tài, độc đảng bằng nhiều hình thức, nhằm giành lại quyền tự do cho người Việt trong nước, đưa dân tộc thoát khỏi vũng lầy nô lệ của chế độ cộng đảng Hà Nội.

        Trong bước đầu chủ trương đảng hóa MT, lần lượt các kháng chiến quân trong khu chiến, do nhận thức về quan điểm đấu tranh cho lý tưởng tự do, trách nhiệm đang giữ, được giới thiệu về đảng, được tiến hành kết nạp bí mật. Sau thời gian này, công tác ở bước hai là sinh hoạt học tập về đảng quy, đảng chế của Việt Tân.

        Các tài liệu về đảng được đưa vào khu chiến, in lại, phân phát cho các đảng viên. Công tác kế tiếp, tổ chức các chi bộ, đảng bộ theo đơn vị hoặc căn cứ. Công việc tổ chức đại hội từng đảng bộ cũng được tiến hành long trọng trong tinh thần tham dự, nghiêm chỉnh, thật kỷ luật, trong toàn khu chiến.


Ghi Chú: Nhân vật mặc áo bà ba đen,
đứng phía bên trái,
gần hai lá cờ quốc gia và đảng kỳ Việt Tân,
 là chiến hữu Ngô Chí Dũng.
Trong tư cách là chủ tọa đoàn
tại Đại Hội Đảng Bộ Quyết Đoàn 7687,
chiến hữu Ngô Chí Dũng đang giải thích
với các đảng viên Việt Tân
về ý nghĩa của đảng kỳ Việt Tân.
Kháng chiến quân ở hàng bên trái,
nhô đầu lên cao hơn ai hết
là chiến hữu Trần Hữu Công
(anh Công cao lớn, gần một thước tám)
 bị cộng quân bắt
trong chiến dịch Đông Tiến II
với bản án 8 năm,
nhưng đã bị chết
tại trại tù A. 20 ở tỉnh Phú Yên.
Ảnh nguồn: Hồi Ký Phạm Hoàng Tùng.

        Các tài liệu trên giấy trắng mực đen, liên hệ tới đảng Việt Tân cho tới nay, các kháng chiến quân hầu như không còn giữ được, đã gần hai mươi năm trôi qua, tính từ thời gian 1987, khi hầu như toàn thể khu chiến bị giải tán, sau khi toàn bộ nhân lực xây dựng khu chiến lên đường tham dự chiến dịch Đông Tiến II lần 2 vào tháng 7/1987. Tuy nhiên danh sách đảng viên, danh sách kháng chiến quân, phần chắc Tổng Vụ Hải Ngoại của MT còn lưu giữ. 

        Mặc dù đảng Việt Tân vừa công khai một thời gian ngắn, lễ truy điệu các lãnh đạo MT và kháng chiến quân, trang nhà MT, danh xưng MT, tổ chức MT, những gì liên hệ tới kháng chiến quân bị hủy bỏ vì nhu cầu đấu tranh vào đầu năm 2005 theo suy nghĩ của những người đang lãnh đạo Việt Tân hiện nay tại hải ngoại?

        Tháng 8/2003, lãnh đạo MT (thực sự chỉ còn có Tổng Vụ Hải Ngoại với trách vụ Tổng Vụ Trưởng do ông Nguyễn Kim giữ) mới chịu công khai một phần tổn thất của chiến dịch Đông Tiến II, sau 16 năm im lặng!? Dù sự kiện không đủ, do không trung thực, một phần do thiếu dữ kiện. Vì đa số lãnh đạo MT hay VT hiện nay, chỉ có một hai người từng sống tại khu chiến, nhưng lại không trực tiếp tham gia chiến dịch Đông Tiến II.

        Mặc dù vào giữa năm 1993, tôi có gặp anh Hải Xăm từ Băng Cốc tới Phnompenh và kể lại cho anh nghe khá nhiều chi tiết liên hệ tới tổn thất của Đông Tiến I, II, và đoàn cán bộ kháng quản. Sau đó anh Hải có trở lại Thái, gặp các anh trong Tổng Vụ Hải Ngoại.

        Vào năm 1995, tại đảo Dang Tong thuộc tỉnh Koh Kong miền Tây Nam Cambodia, sát tỉnh Trat - Thái Lan, khi gặp anh Nguyễn Kim, tôi kể cho anh nghe lại nhiều chi tiết chung quanh cái chết của chiến hữu Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh.
     
        Ngày 19/9/2004, lãnh đạo MT tổ chức lễ công khai hóa đảng Việt Tân trước cộng đồng người Việt hải ngoại, trước công luận thế giới.

        Đầu năm 2005, xóa bỏ trang nhà MT trên liên mạng toàn cầu, giải thể tổ chức MT. Lãnh đạo Tổng Vụ Hải Ngoại của MT chuyển sang lãnh đạo đảng Việt Tân.

Dữ Kiện Về Đảng Việt Tân
Từ Khu chiến Ra Tới Hải Ngoại
      
        Sau thời gian ngắn vào đảng, tôi được đưa về làm việc tại tổ công tác có nhiệm vụ ghi chép, biên soạn, viết các tài liệu liên hệ tới sự chuẩn bị một “Dự Thảo Đảng Thuyết” cho đảng Việt Tân. Người thay mặt lãnh đạo đảng Việt Tân trong khu chiến, phụ trách toán công tác đặc biệt này là chiến hữu Hoàng Nhật tức anh Ngô Chí Dũng. Khi làm công việc này, tôi tạm thời rời khỏi Ban Biên Tập Đài Phát Thanh, nhưng vẫn còn ở tại căn cứ 27.

        Trước đó mấy tháng, người bạn cũ của tôi hồi còn học ở Trung Học Văn Hóa Quân Đội tại Sài Gòn trước 1975, anh Nguyễn Văn Quang, đã được điều về căn cứ 27 làm công việc này rồi. Sau khi chiến hữu Nguyễn Văn Quang rời khu chiến tham dự công tác kháng quản, tôi được cấp trên chỉ định thay cho anh Quang vào công việc: phụ tá đặc biệt cho chiến hữu Hoàng Nhật.

        Vào năm 2003, anh Quang định cư tại tiểu bang Texas, anh có người cha mang cấp bậc Thiếu Tá, qua Hoa Kỳ định cư theo diện H.O vào những năm 1990. Trong năm 2003, qua trao đổi e-mail, tôi được biết anh Nguyễn Văn Quang có liên lạc với anh Nguyễn Kim, nhưng không rõ anh Quang có trở lại làm việc với MT, Việt Tân hay không?

        Công việc gọi là “phụ tá đặc biệt” cho anh Hoàng Nhật, chỉ là ngồi tại vị trí riêng được chỉ định ở khu vực căn cứ 27, viết một số tài liệu được cấp trên quy định “mật”, qua suy nghĩ của bản thân tôi, để xem có thể đóng góp một ít ý kiến tham mưu cho người lãnh đạo đảng Việt Tân, nhìn - hiểu về vai trò thanh niên trong xã hội do Việt Cộng chi phối.

        Các bài viết có được trong thời gian này, là do sự làm việc cần cù của bản thân tôi. Lãnh đạo Việt Tân thời đó không góp ý, không chỉ đạo cách thức phải viết như thế nào. Viết xong, tôi báo cáo, gửi cho anh Hoàng Nhật, anh Khánh tham khảo. Cấp trên có sử dụng bài viết hay không, tôi cũng không được cho biết. Công việc kéo dài gần hai tháng, thời gian này tôi nỗ lực làm việc, cố gắng hoàn thành trách vụ được giao phó.

        Tất nhiên bài viết trình bày, phản ảnh suy tư, phản ứng từ vài thành phần tiêu biểu cho giới thanh niên Việt Nam đối với chế độ cộng sản Hà Nội. Cũng như ghi nhận suy nghĩ một người trẻ đối với chính đảng mới là Việt Tân, có giới hạn trong phạm vi thời gian, nhận thức của tác giả.

        Tuy nhiên ít nhiều, các bài viết với nội dung trình bày thẳng thắn, nhiệt tình, quan điểm, suy tư cũng góp ít nhiều trong tầm nhìn lãnh đạo Việt Tân đối với giới trẻ trong nước. Hay ít nhất, qua các bài viết đó, lãnh đạo Việt Tân có thể hiểu được ý nghĩ cá nhân tôi đối với chính đảng Việt Tân vừa được ra đời công khai trong khu chiến cách mạng.

        Việc lãnh đạo đảng Việt Tân trong khu chiến thời ấy, cắt cử tôi vào công việc nói trên, tất nhiên phải qua tham khảo, quyết định từ Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh. Sự đề cử công tác trên, có thể là động thái khuyến khích đảng viên trẻ, thứ hai, bước dò thăm thêm khả năng, đồng thời cũng là cách huấn luyện tôi qua công tác mới, thứ ba, có thể chuẩn bị cho việc thu thập ý kiến từ nhiều nơi, nhiều thành phần xã hội cho công việc sẽ biên soạn đảng thuyết Việt Tân trong tương lai, khi có điều kiện tiến hành được.

        Có thể vào thời gian đó, cá nhân chiến hữu Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh đã nghĩ đến việc phải có một đảng thuyết cho Việt Tân. Nhưng do vì các công tác khác cần kíp hơn, nên phải gác lại.

        Sau này, khi ông hy sinh trong chiến dịch Đông Tiến II, phần lớn lãnh đạo Việt Tân có mặt trong khu chiến cũng hy sinh nên dự án này không còn thực hiện được.

        Những người lãnh đạo Việt Tân hiện nay ở hải ngoại, một là không biết chương trình này, hoặc có biết nhưng thiếu tường tận, cũng như không quan tâm thực hiện, vì họ có thể suy nghĩ rằng, không cần thiết lắm. Điều nữa, kẻ kế thừa, không có nhiều khả năng, không có cao vọng như chiến hữu Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh, nhân vật có công khởi dựng đảng Việt Tân.

        Sau khi hoàn thành công việc trong tổ chuẩn bị Dự Thảo Đảng Thuyết, tôi lại được phân công viết phần nhận định trong cuốn sử “Anh Hùng Nước Tôi”. Có dịp đọc lại phần này, khi sách vừa in ra, tôi nhận thấy bị sửa rất nhiều.

        Cuốn sử này là công trình tập thể, được giao trách nhiệm cho Ban Tu Thư do chiến hữu Trần Khánh điều động. “Anh Hùng Nước Tôi” được viết xong, việc in ấn quyển sách với dạng đơn giản, trên giấy vàng đều làm trong khu chiến, do công lao nhiều kháng chiến quân tạo thành. Trong khu chiến, mỗi anh em được phân phát một cuốn. Sau này, trong hành trang Đông Tiến II, các kháng chiến quân đều có một quyển sử “Anh Hùng Nước Tôi” trong ba lô.

        Do vì MT muốn cho đồng bào hải ngoại thấy được thành quả biên soạn quyển sử của anh em ở trong khu chiến, nên sách được in và phát hành lại ở hải ngoại vào thời điểm đầu năm 1986.   

        Vào cuối năm 1985, đến giữa năm 1996, tức hơn 10 năm sau, khi lưu vong tại Thái Lan thời gian ngắn, lúc đi lang thang, buồn tình đời, tạt qua một cơ sở cũ của MT tại thủ đô Băng Cốc, tôi thấy trên kệ sách có quyển sử “Anh Hùng Nước Tôi” do nhà xuất bản Đông Tiến của MT ở hải ngoại cho in lại, với cách trình bày từ ngoài vô trong, mỹ thuật hơn nhiều.

        Tháng 9/1985, tôi vào đảng Việt Tân. Mười hai năm sau, năm 1997 tại Băng Cốc - Thái Lan, tôi đề nghị với ông Nguyễn Kim được ra khỏi đảng Việt Tân, vì xét thấy những người đứng đầu Việt Tân không xứng đáng với sự hy sinh cao quý của những người yêu nước.

        Gần 20 năm, hơn một phần ba đời người, vào tháng 9/2004, các lãnh đạo còn lại của đảng Việt Tân mới bắt đầu cho công khai hóa sự hiện diện của thực thể Việt Tân trong sinh hoạt chính trị phức tạp, tản mạn của cộng đồng Việt Nam lưu vong trên khắp thế giới.


PhnomPenh - Cambodia, ngày 8/12/2005.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét