Bất Bạo Động Đồng Nghĩa Với Độc Tài Cộng Sản Muôn Năm! Người Việt Phải Hành Động Để Tự Cứu Mình! Đừng Trông Chờ Bất Kỳ Ai. Blog hoạt động từ ngày 28 tháng 2 năm 2.012

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Lập Đảng Mới Là Hợp Với Lòng Dân


LẬP ĐẢNG MỚI
LÀ HỢP VỚI LÒNG DÂN

         1/ Cơ sở pháp lý theo luật pháp độc tài

         Sự kiện lập đảng mới tại Việt Nam tiếp tục là vấn đề được bàn luận sôi nổi trong và ngoài nước, và tất nhiên trên mạng và trong xã hội, dù công khai hay nói nhỏ với nhau. Việc lan truyền này là điều đương nhiên, nó cũng như trời hạn mà thấy mưa thì ai cũng mừng.

         Trong một xã hội mà quyền tự do của dân bị tước đoạt, và đảng thì điều gì cũng được làm, được hưởng, cho nên làm người thì ai cũng muốn được tự do suy nghĩ, nói, viết, hành động, nhưng không trái với đạo đức của truyền thống người Việt.

         Những người sống trong chế độ Cộng Sản độc tài muốn hành động nhưng không để chế độ gây khó dễ, ám hại, vì thế phải dựa vào luật Cộng Sản. Dù biết luật Cộng Sản làm sao thân thiện với dân, vì lúc nào cũng binh vực cho giai cấp cán bộ đảng viên nhiều đặc quyền đặc lợi.

         Trường hợp mới đây nhất là việc Luật Sư Trần Vũ Hải gởi đề nghị lên Quốc Hội Cộng Sản liên quan đến việc lập đảng đối lập với Đảng Cộng Sản.

         Theo ý kiến của Luật Sư Trần Vũ Hải thì luật hiện nay tại Việt Nam không có cấm việc thành lập đảng đối lập cũng như không cấm người dân tham gia các đảng đối lập.

         Tuy nhiên, cẩn thận hơn, ông Trần Vũ Hải cũng muốn Quốc Hội Cộng Sản cho biết ý kiến cụ thể.

         Ai cũng biết Quốc Hội Cộng Sản có hơn 2/3 đại biểu là đảng viên (số còn lại cũng là ngủ gật), ngay cả Thủ Tướng, Chủ Tịch nước, Tổng Bí Thư cũng là đại biểu của Quốc Hội. Quốc Hội chỉ là con búp bê dễ thương của đảng, làm hao tốn tiền thuế của người dân nghèo mà lại còn hại dân.

         Bây giờ họ không cấm, có thể do vì bộ luật có điều sơ hở, nhưng đầu óc toàn trị, toàn kiểm vẫn không mất. Sau này vì lo sợ nhiều đảng phái ra đời sẽ làm mất đặc quyền của họ, và họ lại họp bất thường để tu chính luật rồi ban hành lịnh cấm thì những người dựa vào sự sơ hở nhất thời của luật Cộng Sản lại tiếp tục nghiên cứu luật Cộng Sản để đề ra phương cách hoạt động trong không gian nhà tù Việt Nam chật hẹp.

         Bên cạnh tính chất pháp lý trong vấn đề thành lập đảng mới, công luận cũng được nghe, được chứng kiến những cái loa trong Hội Đồng Lý Luận Trung Ương hay báo chí đảng tung các bài viết chỉ trích mạnh những người có tư tưởng tự do. Điều này không ngạc nhiên, ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày.

         Nếu có thích việc lập đảng mới nhưng họ cũng không dám mở miệng nói, vì tiền lương, địa vị, quyền lợi mà đảng ban phát cho, và sự sợ hãi đã thành thói tính khiến cho họ chỉ nói những gì được đảng cho phép nói. Phường giá áo túi cơm, thành phần văn nô này không có đất đứng trong cộng đồng dân tộc Việt đang khát khao tự do.

         2/ Nếu không hợp pháp nhưng hợp lòng dân, những người có tư tưởng và thiện chí muốn lập đảng đối lập tại Việt Nam chọn điều nào?

         Giữa sự hợp pháp trong cái luật rừng của chế độ Hà Nội và sự hợp lòng dân thì tất nhiên cái làm cho dân thuận lòng là điều to lớn hơn nhiều, có giá trị hơn nhiều, và dĩ nhiên lâu dài hơn. Và không phải vị lãnh đạo nào, không phải lực lượng chính trị nào cũng giành được lợi thế nhân hòa rất quan trọng này.

         Có cái bằng nào bằng sự thuận lòng dân.

         Chỉ có một đường lối chính trị mang chính nghĩa mới thu phục lòng dân và huy động được lòng người theo.

         Chính nghĩa đó là biết đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên cá nhân lãnh tụ và đảng phái. Người làm chính trị mà thành tâm yêu nước, thể hiện qua cuộc đời hoạt động vì dân vì nước của họ, thì sẽ đạt được chính nghĩa cao quý đó.

         Việc lập đảng hiện nay và trong tương lai không xa là phù hợp với sự đòi hỏi gấp rút của tình hình xã hội chính trị tại Việt Nam.

         Khung cảnh chính trị Việt Nam đơn điệu một màu đen không sinh khí do sự độc diễn của Đảng Cộng Sản kéo dài quá lâu. Nó lôi kéo theo sự trì trệ sức sống xã hội, sự kém phát triển của nền kinh tế chỉ đạo nhưng thiếu sáng tạo vì không tôn trọng quyền tư hữu.

         Đặc tính của cuộc sống là cấu thành tổng hợp.

         Trong bài toán trừ đơn giản nhất mà một em bé lên 6 tuổi cũng hiểu chứ không cần chi đến việc tốt nghiệp Tiến Sĩ chính trị học và triết học Marx – Lenin ở trường đảng cao cấp bên Liên Sô, đó là cứ trừ mãi thì cái tổng số ban đầu sẽ vơi dần, và sau cùng phải đi đến suy kém, rồi bằng không (tiêu vong).

         Về mặt pháp lý, nếu chế độ độc tài cấm đoán không cho lập đảng thì những người Việt muốn tham gia sinh hoạt chính trị nhưng không muốn đứng dưới cờ đỏ búa (đập) liềm (cứa, cắt, chặt, chém) vẫn được hậu thuẫn mạnh bởi lòng dân hiện nay muốn có sự thay đổi chính trị, muốn có nhiều chính đảng đại diện cho các quan điểm chính trị từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội Việt Nam đa dạng.  

         Cuộc chiến đối đầu trên nhiều phương diện giữa đảng độc tài bao gồm mấy mươi người trong Bộ Chính Trị cộng với mấy trung đoàn hoặc mấy sư đoàn cảnh sát cơ động (chống nổi dậy) đang được nuôi béo và sự mong muốn được sống tự do của dân Việt đã lộ ra tình trạng mất cân xứng thấy rõ.  

         Đảng thấy họ đã thua cuộc nên đã và đang bất chấp mọi phương tiện đàn áp. Nhưng càng giẫy giụa thì càng chết đau mà thôi.    

         3/ Tại sao phải lập đảng?

         Sinh hoạt chính trị hiện đại trên thế giới thường tập trung vào các đảng phái. Đây là tổ chức quy tụ nhiều con người có lý tưởng chung về tư tưởng, xã hội, đứng dưới một ngọn cờ. Đảng có sự đoàn kết, có kỷ luật, có khuôn khổ hoạt động chặt để mọi đảng viên đi đến mục tiêu chung nhằm phục vụ quốc gia, dân tộc tốt hơn.

         Tất nhiên sinh hoạt đảng phái trong xã hội tự do khác với cái đảng theo Chủ Nghĩa Marx – Lenin thường là cuồng tín, giáo điều. Cực đoan, quá khích từ phía nào cũng đều không tốt cho xã hội con người.

         Trong xã hội đa nguyên, đa đảng, đảng chỉ là một tập họp tương đối, sinh hoạt phải tuân thủ pháp luật, đứng dưới pháp luật, phải lấy quốc gia làm tối thượng, mỗi đảng viên có quyền vào đảng và ra đảng khi thấy đảng đó không phù hợp với nguyện vọng của mình.  

         Và lãnh tụ đảng cũng chỉ là con người gồm tật xấu và tính tốt nên phải có sự kềm chế của tổ chức, của luật pháp. Sùng bái lãnh tụ quá đáng là tật xấu của thời phong kiến xa xưa mà những kẻ kém hiểu biết mới làm theo.     

         Tóm lại đảng chỉ là một tổ chức chính trị bình thường trong xã hội, không có đặc quyền, đặc lợi quá lớn, khiến gây ra bất công, bất mãn trong xã hội.

         Theo đường hướng chung của nhân loại hiện nay, Việt Nam chúng ta cũng cần có nhiều đảng phái tham gia sự điều hành đất nước một cách luân phiên theo sự bầu chọn của quốc dân.

         Bên cạnh thành lập đảng để sinh hoạt và cạnh tranh bình đẳng trong môi trường chính trị dân chủ, các cá nhân cũng có thể hoạt động chính trị độc lập không cần tham gia đảng nào, nếu họ thấy không có đảng nào phù hợp theo cái nhìn của họ.         
         4/ Không phải chỉ có Đảng Dân Chủ Xã Hội, không phải chỉ có người bỏ đảng mới được quyền thành lập đảng mới

         Trong tình hình bị kềm chế, đàn áp, việc bước ra khỏi Đảng Cộng Sản và tuyên bố thành lập đảng mới quy tụ các đảng viên cũ là một cách mà những người chống đảng lựa chọn để làm. Cách này nhằm tránh sự đàn áp thẳng tay khi đảng mới đang được thai nghén cho ra đời.

         Dù sao thì hành động của ông Lê Hiếu Đằng vẫn được coi là bước mở đầu cho việc lập đảng đối trọng tại Việt Nam hiện nay.

         Sẽ có nhiều đảng viên bỏ đảng, có thể họ không dám xé cờ đỏ búa liềm, hay đốt thẻ đảng công khai và đưa lên mạng để cho toàn dân và thế giới thấy, nhưng sự bỏ đảng sẽ nhiều hơn. Ai cũng không muốn bị chết chìm khi trước mắt thấy chiếc tàu mà họ đứng trên đó đã bị nước tràn vào và đang từ từ chìm xuống lòng đại dương.

         Những người ngoài đảng rồi đây cũng sẽ đưa ra các tuyên bố thành lập đảng mới hay tổ chức chính trị có đường lối yêu nước, phụng sự cho dân chủ và tự do.

         Sự ra đời các đảng phái chính trị là điều hiển nhiên khi bối cảnh nước ta đã quá chín muồi cho sự thành lập các tổ chức chính trị để lên tiếng đối lập với thể chế độc chuyên.

         Lập đảng và tham gia hoạt động chính trị là quyền tự do tất yếu của mỗi người dân, vừa để thể hiện quan điểm chính trị của cá nhân, vừa có cơ hội kết đoàn để phục vụ xã hội và đất nước với lý tưởng tự do dân chủ cao thượng.


Phạm Hoàng Tùng.  
              


              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét