Bất Bạo Động Đồng Nghĩa Với Độc Tài Cộng Sản Muôn Năm! Người Việt Phải Hành Động Để Tự Cứu Mình! Đừng Trông Chờ Bất Kỳ Ai. Blog hoạt động từ ngày 28 tháng 2 năm 2.012

Bài Viết Nhân Các Buổi Ra Mắt Sách








Chí trai ôm ấp hoài bảo lớn
Vì non sông nước Việt
Yêu quý ngàn đời!!!
Phạm Hoàng Tùng năm 1993
tại Phnom Penh (Nam Vang)
Cam Bốt (Kampuchea).





HÀNH TRÌNH NGƯỜI ÐI CỨU NƯỚC
TẠI SAN JOSE


Giao Chỉ - San Jose 2006

Nhà Văn Giao Chỉ.
            
        Một tác phẩm gồm hai cuốn 900 trang của một tác giả gần như vô danh và không có mặt nhưng đã thu hút trên 300 khách đến dự. Ban tổ chức được sự tiếp tay của ông Lại Ðức Hùng, Tổng Thư Ký Liên Hội đứng ngay cửa đón khách cho biết đã bán được gần hai trăm bộ sách giá $40.         
     
       Ông Hồng, một thân hữu cao niên ở lại đến phút chót đã nhận xét rằng, như thế cũng bỏ công tác giả ngồi viết 6 năm về câu chuyện sống chết của cả đời người mà bây giờ vẫn còn là người dân ở lậu bên Cam Bốt.
     
       Hỏi thăm ông Ðỗ Thông Minh là nhà xuất bản, ông cho biết rất mừng vì đây là lần ra mắt đầu tiên. Nếu San Jose mà thất bại thì còn lại 13 địa điểm vòng quanh Bắc Mỹ làm sao khá hơn được. Ông Minh hy vọng ở trạm cuối cùng sau gần hai tháng đi bán Hồi Ký Kháng Chiến trở về quận Cam sẽ là nơi có đông độc giả.

       Nhận lời yểm trợ cho ông Ðỗ Thông Minh, chúng tôi cũng đã đắn đo suy nghĩ. Phải thú thật là cá nhân chúng tôi là người tình cảm văn nghệ nhiều hơn là sự suy tính của đoàn thể chính trị.

       Nhớ lại ngày xưa, các bạn trẻ như Ðỗ Hùng, Ðỗ Thông Minh đến với bác Lộc ở San Jose, cả bác lẫn cháu đều vô tư, nhìn cuộc đời thường cũng giản dị như công việc đấu tranh.

       Ngày nay, Ðỗ Thông Minh mang hai trái thận hư phải mượn một trái của vợ để đi bán sách cho một người lính kháng chiến quân tầm thường, làm sao trái tim già không rung động.

       Vì vậy, bèn đứng ra thôi. Sau khi rào trước đón sau cả tháng dài mới chuẩn bị buổi ra mắt cho chu đáo.


          Đông đảo đồng hương ủng hộ mua sách.                  
       
         Nhiều người nói rng, sách này tuyên truyn cho Kháng Chiến. Cũng không chịu. Có người trách c là sao đem chuyn cũ ra làm gì. Cũng không chịu. C hai phe Kháng Chiến ca ông Hoàng Cơ Long và Hoàng Cơ Ðnh cũng không mặn nng gì vi cun sách viết v ông Hoàng Cơ Minh.    

        Trên mạng lưới điện toán có nhiều bài chê bai tác phẩm có thể hiểu là từ thân hữu của Mặt Trận. Ðiều quan trọng hơn hết là một số quý vị vốn ghét Việt Tân đang tìm tòi giữa các trang sách lấy ra các chuyện lặt vặt để thêm đề tài chê trách Kháng Chiến.

        Với tất cả những phức tạp và rắc rối như vậy, cuốn sách ra mắt tương đối thành công và êm đẹp tại San Jose vào ngày 30 tháng 9-2006 trên đường Senter.

        Chương trình dự trù lúc 1:30 chiều nhưng một số độc giả đã đến từ 1 giờ để mua sách tại hai lều nhỏ mở ra trước hội trường. Ðến 1:30 thì mọi người đã đến khá đông và chương trình khai mạc lúc 1 giờ 45 sau những giây phút hàn huyên giữa ban tổ chức và thân hữu.


     Ông Phạm Phú Nam của IRCC và Dân Sinh Media đã điều hợp nghi lễ khai mạc chào cờ Mỹ-Việt và tưởng niệm. Tiếp theo là phần chiếu hình gồm ba mặt trận mở đường về nước vào giai đoạn 80.

        Phần đầu là hình ảnh của phóng viên Anh Quốc chiếu vụ án Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá trở về từ Âu châu. Kế tiếp là hình ảnh ông Võ Ðại Tôn họp báo tại Hà Nội sau khi bị bắt. Ðây là đoạn phim của truyền hình Nhật Bản ghi lại các giây phút hào hùng nhất của con người từ Úc mở đường về Việt Nam.

        Kế tiếp là hình ảnh kháng chiến Hoàng Cơ Minh và lời chào mừng của tác giả Phạm Hoàng Tùng từ Nam Vang, Cam Bốt.

        Hơn 12 phút chiếu phim kèm theo bài ca Kháng Chiến của Trần Thiện Khải đã tạo được xúc động đối với các khán giả tham dự.

        Sau phần chiếu phim, ban tổ chức giới thiệu giáo sư Nguyễn Văn Canh nói về một chiến sĩ Kháng Chiến là Ngô Chí Dũng, thành viên sáng lập của Người Việt Tự Do tại Nhật Bản đã mất tích từ hơn 15 năm qua. Ông Canh là bác ruột, anh mẹ của Ngô Chí Dũng đã nói về sự dấn thân của anh Dũng tham dự Mặt Trận và một vài kỷ niệm cũ. Sau cùng giáo sư Canh cũng như mọi người đều không biết rõ hoàn cảnh của Ngô Chí Dũng ra sao. Còn sống hay đã chết, và những ngày cuối cùng diễn tiến như thế nào, tất cả đều không có tin tức.

  Đồng hương đang chú ý sự trình bày của diễn giả.
                   
         Tác phẩm Hành Trình Người Ði Cu Nước đã ghi lại, sau khi tướng Hoàng Cơ Minh hy sinh kỳ Ðông tiến II, Ði úy Dù Ðào Bá Kế là người nối tiếp ông Minh li lên đường, hy sinh kỳ Ðông tiến III thì Ngô Chí Dũng ở Thái Lan là người thay thế ông Minh và ông Kế đ lãnh đo phn còn lại ca Mt Trn. Ðó là du vết cui cùng ca chiến sĩ Ngô Chí Dũng là ti Thái Lan.

        Sau phần đề cập đến Ngô Chí Dũng được coi là thành viên của Người Việt Tự Do đã gia nhập Mặt Trận, ban tổ chức có cơ hội giới thiệu một lượt các vị quan khách danh dự. Khác hẳn với các lần ra mắt thông thường, đa số thân hữu của tác giả gồm cả gia đình bà con, đồng nghiệp, đồng hương, hội ái hữu, bạn bè cũ mới đến dự. Lần này, tác giả Phạm Hoàng Tùng không có mặt, mà ngay như có mặt thì cũng chẳng có ai là thân hữu quen biết.

        Anh là người trẻ tuổi vượt biên, gia nhập Kháng Chiến từ trại tỵ nạn, trải qua vừa đúng một con giáp gồm một nửa thời gian tỵ nạn Kháng Chiến rồi đến một nửa còn lại tù đày và trở lại thành dân tỵ nạn.

        Ða số người đến dự đều là các đồng hương quan tâm, chẳng hề có một người thân thuộc. Tuy nhiên, ban tổ chức đã ghi nhận có nữ quân nhân nhảy dù Phan Trần Mai được coi là người đã tham dự vào tổ chức của ông Võ Ðại Tôn từ bao năm qua. Bây giờ chị Mai sức khỏe rất yếu, nhưng đã đến với hình ảnh Kháng Chiến cũ để tìm về cả một chân trời kỷ niệm.

        Cũng có mặt là các bạn trẻ của ông Võ Ðại Tôn như anh Cao, anh Ðỗ Hùng đã từng yểm trợ cho Võ Ðại Tôn. Ông là một anh hùng cô đơn với hơn 10 năm tù miền Bắc và bây giờ tiếp tục cô đơn với tuổi đời còn lại ở Úc châu.

        Một người bạn duy nhất của Phạm Hoàng Tùng mà tình cờ hiện diện là anh Nguyễn Thọ, cư ngụ tại San Jose. Anh Thọ đưa ra một hình chụp ba người: Thọ, Tùng và Quang trong trại tỵ nạn Sikhiw 23 năm về trước. Sau đó, Tùng và Quang đi theo Kháng Chiến. Thọ qua Mỹ định cư tại San Jose, Quang bị bắt và nay di dân qua Mỹ, Tùng bị tù rồi sống ở Cam Bốt. Nhờ tác phẩm ra mắt, Thọ liên lạc nói chuyện điện thoại với Phạm Hoàng Tùng.

        Hiện nay anh Thọ dự trù sẽ về Nam Vang thăm người bạn cũ. Anh em đã từng tâm sự thâu đêm trong trại tỵ nạn hơn 20 năm về trước. Tấm hình ba anh em từ ba phương trời, đã từng ngồi uống bia Thái trong trại Sikhiw rồi nay phần số một người một ngả. Anh ở San Jose làm điện, anh di dân qua Mỹ và một anh lại tiếp tục đời tỵ nạn không giấy tại Cam Bốt.


     Người cuối cùng được giới thiệu là anh Nguyễn Thông Thái, cựu trung sĩ hải quân vượt biên và đi theo Kháng Chiến Trần Văn Bá. Ðổ bộ vào bờ biển Minh Hải, Cà Mau đợt đầu tiên. Bị bắt, xử năm 1985 với 14 năm cấm cố. Bây giờ được đoàn tụ tại Hoa Kỳ và còn trông đợi 5 năm nữa mới hy vọng đoàn tụ thêm với hai con gái còn ở lại Việt Nam.

        Nguyễn Thông Thái đã được chúng tôi viết thành câu chuyện và mệnh danh là “Người Anh Hùng Ở Nhà Bên Cạnh”


 Đỗ Thông Minh, Nguyễn Thông, Nguyễn Thông Thái, 
Chủ Nhiệm Tin Viet News, Ngọc Thủy
 và Huỳnh Lương Thiện trước hội trường.
        
        Sau phần giới thiệu các quan khách đặc biệt, ban tổ chức đã mời ông Huỳnh Lương Thiện lên phát biểu. Ông Thiện là thành viên sáng lập của Người Việt Tự Do và chính là người ngày xưa đã tiễn đưa Hoàng Cơ Minh, Trần Văn Sơn và Ðỗ Thông Minh lên đường qua Thái Lan tại phi trường San Francisco. Ông cho rằng, đây là một kỷ niệm không thể quên được.       

        Huỳnh Lương Thiện hiện nay là chủ báo Mõ San Francisco, một nhân vật hoạt động cộng đồng rất tích cực đã nói rằng: “Xin được nói rõ lại một lần cho xong.”

        Ðể trả lời câu hỏi từ hơn một phần tư thế kỷ là tại sao đám thanh niên trẻ tại Nhật lại đi theo Mặt Trận. Ông Thiện cho biết, tổ chức Người Việt Tự Do không đi theo Mặt Trận mà chính Ðỗ Thông Minh là người đại diện đã đi khắp nước Mỹ để tìm lãnh đạo, đi kêu gọi hợp tác và sau cùng chính Ðỗ Thông Minh đã tìm gặp ông Hoàng Cơ Minh để mời tham dự vào tiến trình phục quốc qua ngả Thái Lan.

        Ðể nói rõ thêm về điểm rất tế nhị này, ông Ðỗ Thông Minh cho biết, ông không hề tạo sự hiểu lầm là cá nhân ông hay tổ chức Người Việt Tự Do thành lập Mặt Trận. Dứt khoát là ông được anh em ủy nhiệm đi tìm sự hợp tác và hai tổ chức đầu tiên là Lực Lượng Quân Dân lúc đó do tướng Hoàng Cơ Minh là một trong những nhân vật lãnh đạo và tổ chức Phục Hưng Việt Nam do ông Trần Văn Sơn lãnh đạo.

        Vì nhu cầu chính trị trước khi về Thái Lan cùng với nhau, ban tổ chức đã thỏa hiệp thành lập Mặt Trận. Như vậy, phần đóng góp của ông và Người Việt Tự Do là một sự tình cờ lịch sử. Về sau, Phục Hưng rút lui chỉ còn hai nhóm giải thể thành Mặt Trận. Sự lớn mạnh của Mặt Trận cũng như sự rạn nứt và tan vỡ cũng là do các vị niên trưởng đàn anh.

        Ðám trẻ của Người Việt Tự Do dù có tham dự hay hy sinh thì cũng chỉ góp phần nhỏ của cả chiều dài Kháng Chiến chứ không hề có công trạng gì nhiều trong việc sáng lập và nuôi dưỡng Kháng Chiến.

        Qua phần trình bày của ông Ðỗ Thông Minh, khán giả được biết hoàn cảnh và liên hệ giữa tác phẩm và nhà xuất bản.

        Cũng trong buổi ra mắt sách, cá nhân chúng tôi có cơ hội kêu gọi quý vị độc giả ủng hộ vì tính cách đặc biệt của tác giả và tác phẩm. Tôi có cơ hội nói rằng, hai tập sách này thật ra không phải là một tác phẩm toàn hảo mà chính là hai thùng dầu thô, vẫn còn có cát bụi trộn lẫn với tinh hoa cần phải lọc lại để thành nhiên liệu mà đốt lên ngọn lửa đấu tranh cho quê hương.

        Trong đời sống của chúng ta, kiến thức đem lại từ tác phẩm cần có sự góp sức của cả tác giả lẫn độc giả.

        Mỗi độc giả cần tự tạo cho mình một cái máy lọc dầu để loại bỏ những gì không xác thực, cường điệu hay chủ quan. Xin hãy tìm ra những tinh hoa trong các trang sách mà bỏ qua phần luộm thuộm, cực đoan hay những nhận định thiếu thực tế.

        Ðể trả lời một câu hỏi, chính ông Ðỗ Thông Minh là người xuất bản cũng cho rằng, những gì tác giả mắt thấy tai nghe có thể tin được 90-95%, còn các chỗ nghe kể lại trong tù thì mức tin cậy khiêm tốn hơn. Tuy nhiên về danh tính các tù nhân Kháng Chiến, các trận đánh, các chiến dịch thì dù có sai đôi chút cũng vẫn là các con số cần thiết để đối chiếu.

        Sau hết, với tư cách là người giúp đỡ tổ chức buổi ra mắt, chúng tôi nhận thấy rất may mắn khi mọi chuyện hanh thông. Buổi ra mắt sách rất dễ phiền lụy đã trở thành một buổi chiều êm ả.

        Sau gần 3 giờ đồng hồ, ban tổ chức và đồng hương sống lại một ngày của 25 năm lịch sử phục quốc với tâm tư đè nặng lòng ngực, chúng tôi có cơ hội kết luận câu chuyện Kháng Chiến với hình thức nhẹ nhàng hơn.

        Hãy tưởng tượng vào cuối thập niên 70, các cô gái trẻ như Ngô Chí Dũng, Huỳnh Lương Thiện, Ðỗ Thông Minh… từ Nhật Bản qua Hoa Kỳ để đi tìm người yêu.

        Trai khôn tìm vợ chợ đông.
          Gái ngoan tìm chồng ở chốn ba quân.

        Và Ðỗ Thông Minh đã tìm thấy tướng công Hoàng Cơ Minh. Như vậy Hoàng Cơ Minh là mối tình đầu Kháng Chiến của Ðỗ Thông Minh lúc đó chưa được 30 tuổi.

        Ðược vài năm sau thì chia tay. Cuộc chia tay giữa Người Việt Tự Do và Kháng Chiến là cuộc chia tay đẹp đẽ nhất. Không thể nào mà nói là ai đã phụ ai, không thể nào mà nói là ai lợi dụng ai. Suốt 20 năm qua, không hề nói qua nói lại, không bao giờ một lời trách cứ người tình cũ anh hùng.

        Lời của bài ca xưa cũ đã ghi lòng tạc dạ: “Trách chi người đem thân giúp nước.”.

        Ðó là lý do chúng tôi yểm trợ cho cuốn sách ra đời, tuy nhiên dù sao đây cũng chỉ là hồi ký của một “binh nhì” trong hàng ngũ Kháng Chiến. Ði suốt 12 năm vẫn thấy mình còn ở đất Cam Bốt. Kiến thức, công danh, sự nghiệp, tài sản chẳng bằng ai. Hai vợ chồng, một túp lều, một cái giường nhỏ, bên đầu giường là bàn viết học trò. Từ góc nhỏ của một đất nước đen tối, 900 trang sách đã ra đời, chứng minh cho thế giới biết là cuộc chiến có thật, dù với cây giáo tự chế bằng tre. Trước sau người lính tù binh và lưu đày vẫn một lòng tôn kính lãnh tụ.

        Sau cùng, ngồi tại văn phòng của chúng tôi, cạnh viện bảo tàng lịch sử San Jose, người thanh niên trẻ Ðỗ Thông Minh ngày xưa bây giờ tóc cũng đã bạc, lấy cuốn sách của Phạm Hoàng Tùng ra viết những lời trân trọng. Xin thay mặt tác giả kính tặng bà Hoàng Cơ Minh. Một bộ sách gửi tặng phía kiên trì của quý ông Trần Xuân Ninh và Hoàng Cơ Long. Một bộ sách tặng phía kiên định của ông Lý Thái Hùng, Hoàng Cơ Ðịnh.

        Tập sách dứt khoát là không hoàn hảo, đây chỉ là sự thật của một công cuộc kháng chiến thần thánh, đôi khi chỉ là những chuyện mà tác giả tưởng là sự thật. Nhưng chắc chắn không có oán thù, chỉ có tình yêu nhân bản. Trong rừng hồi ký của biết bao nhiêu danh tài lịch sử, đây là cuốn hồi ký duy nhất của một người không tên tuổi viết về lịch sử của một cuộc đời tầm thường kể chuyện thất bại. Chỉ còn thiếu một lời xin lỗi. Xin lỗi đồng bào, xin lỗi đất nước, xin lỗi cuộc đời… 

        “Trách chi người đem thân giúp nước.”

                                                         Giao Chỉ - San Jose 2006.









RA MẮT SÁCH
“HÀNH TRÌNH NGƯỜI ÐI CỨU NƯỚC”
CỦA PHẠM HOÀNG TÙNG
TẠI DALLAS

LÃO GÀ TRE




             Cách đây hơn một tháng, báo chí địa phương (DFW) cũng như trên vài diễn đàn Internet, người ta có đề cập đến 2 cuốn sách “Hành Trình Người Ði Cứu Nước” (tài liệu kháng chiến của Mặt Trận), dày hơn 900 trang – do nhà báo Phạm Hoàng Tùng (ở Cao Miên) viết; và được nhà báo Ðỗ Thông Minh (ở Nhật) “lăng-xê”, xuất bản.

Buổi ra mắt hai cuốn sách nói trên được ông Thái Hóa Lộc, chủ nhiệm tuần báo Người Việt Dallas tổ chức vào trưa thứ Bảy, ngày 28-10-2006 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Ðồng Dallas với khoảng 100 người tham dự.

Sau phần nghi thức thường lệ, ông Ðặng Hiếu Sinh (báo Ca Dao) giới thiệu một số khuôn mặt quen thuộc, từng hoạt động với “Mặt Trận” trước đây nhưng đã rời khỏi tổ chức từ lâu như: GS Ðàm Trung Pháp, nhà văn Ðào Vũ Anh Hùng; đồng thời giới thiệu 2 ông Nguyễn Quốc Ánh, Nguyễn Ðăng Tiến hiện là đảng viên Việt Tân. Báo chí truyền thông có đại diện của Thế Giới Mới, SBTN, Bút Việt, Ca Dao, Người Việt và ÐPT Tiếng Nước Tôi.

Ông Thái Hóa Lộc nhân danh ban tổ chức, chào mừng quan khách tham dự: “Chúng tôi nhận lời yểm trợ ra mắt 2 tập “Hành Trình Người Ði Cứu Nước” của cựu kháng chiến quân Phạm Hoàng Tùng là không ngoài mục đích tạo nhịp cầu cho những người từng thao thức vì vận mệnh đất nước và quan tâm tới “kháng chiến” trong quá khứ... nhưng vẫn còn có những hệ lụy hiện tại.”

Tiếp theo là phần phát biểu, điểm sách của nhà văn Ðào Vũ Anh Hùng. Ông cho rằng tác giả Phạm Hoàng Tùng đã viết tác phẩm “Hành trình người đi cứu nước” bằng cả tấm lòng của ông và hai tập sách này là tư liệu cần thiết trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh chống cộng. Ông Hùng cũng tâm sự khá nhiều về sự đóng góp của mình vào đầu thập niên 80, giai đoạn mà tinh thần đấu tranh kháng chiến của đồng bào hải ngoại lên cao nhất. Thế nhưng, cuối cùng ông phải từ giã “kháng chiến” vì ông đã thất vọng. “Những cái chết oan nghiệt, những bản án tử hình mà không ai có thể giải thích được, trong đó có cái chết đầy nghi vấn của Trung tá Lê Hồng, Tư lệnh lực lượng võ trang thời đó. 

       Tất cả những hành động tàn bạo, vô nhân trong giai đoạn phôi thai đó chắc chắc là không một ai có thể chấp nhận được.” Ðối với phó Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh, ông Hùng cho rằng không xứng đáng với vai trò lãnh tụ kháng chiến cứu nước, nhưng sự tuẫn tiết của ông nơi chiến khu đã làm cho ông khâm phục. Hai tập tài liệu “Hành trình người đi cứu nước”, ít nhiều cũng đã giúp cho ông tìm ra được những thắc mắc, bi phẫn, đớn đau, hy sinh của những tâm hồn yêu nước đã vùi thây nơi núi rừng Lào Thái.

Ông Hùng kết luận: “Mặc dù tôi chỉ đọc qua 300 trang tài liệu do nhà báo Ðỗ Thông Minh gửi trước đây, nhưng cũng đủ để hiểu những lời nói thẳng, rất cần thiết cho Việt Tân cũng như những tổ chức chánh trị khác rằng, nếu có thật tâm vì quốc gia dân tộc, xin đừng lừa dối nữa.”.

Phần chính của buổi ra mắt sách do nhà báo Ðỗ Thông Minh chiếu toàn bộ nhiều hình ảnh từ ngày thành lập Mặt Trận cho đến thời kỳ hoạt động tại chiến khu Ðông Dương. Nhà báo ÐTM cũng trình bày sơ lược về việc thành lập “Mặt Trận” là do ba tổ chức gộp lại gồm: Lực Lượng Quân Dân Việt Nam (PÐÐ Hoàng Cơ Minh); Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam (Ông Trần Văn Sơn) và Tổ Chức Người Việt Tự Do (Ðỗ Thông Minh). Sau đó Tổ Chức Phục Hưng rút lui. Tổ chức Người Việt Tự Do giải thể để gia nhập Mặt Trận. Thế nhưng đầu năm 1983, chán ngán vì sự bất đồng trầm trọng giữa ông Phạm Văn Liễu, Tổng Vụ Trưởng Hải Ngoại và Chủ tịch Hoàng Cơ Minh, nên ông ÐTM đã rời khỏi Mặt Trận.

Cuối cùng, không khí buổi ra mắt sách có vẻ “căng”, nhất là phần tiếp xúc với tác giả Phạm Hoàng Tùng ở (Cam-bốt) qua đường dây điện thoại viễn liên. Chúng tôi xin ghi lại tóm lược qua băng thâu âm.

Mở đầu là ông Nguyễn Ðăng Tiến (Việt Tân) nói với tác giả Phạm Hoàng Tùng (PHT) qua điện thoại, cám ơn tác giả đã nói lên sự thật: “Mặt trận kháng chiến” là có thật và công cuộc đấu tranh này vẫn còn tiếp diễn. Nửa ổ bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Ông Tiến muốn nói những gì tác giả PHT viết chưa phải là hoàn toàn sự thật.

Ông Nguyễn Văn Tu, một tham dự viên đóng góp ý kiến: “Tôi là người dân, nghĩ rằng làm chính trị việc đầu tiên là phải nhìn vào lòng người, đừng có làm gì cho người dân chán nản. Thế mà mới đây, chính tai tôi nghe được trên đài TNT Dallas, BS Trần Xuân Ninh nói rằng ông Ðỗ Hoàng Ðiềm làm chính trị nửa mùa. Tôi biết cả hai vị này đều là Việt Tân. Như vậy thì làm chính trị cái gì?” (Nguyên văn).

Qua điện thoại viễn liên, được khuếch đại âm thanh, với lời nói từ tốn, nhưng không kém phần lý luận sắc bén, tác giả PHT đã gửi lời thăm hỏi đến cử tọa và ông Tiến.

Ông Cao Tiến Dũng hỏi: “Theo dư luận chung chung thì tác giả tham dự các chiến dịch Ðông Tiến chỉ có 5 ngày, hoặc 20, như vậy tác giả làm sao có thể viết một cách chính xác được. Ðiều này xin được hỏi nhà báo Ðỗ Thông Minh”?

Trước khi trả lời, ông ÐTM đã nhờ tác giả PHT trả lời trước:
PHT: “Tôi tham dự trong hầu hết thời gian có chiến dịch Ðông Tiến. Ðó là những điều mắt thấy tai nghe. Còn những vấn đề khác, một số tôi nghe anh em kháng chiến kể lại. Như vậy tin hay không là ở nhận xét của độc giả. Riêng tôi, đó là sự thật.”
Ông Ðỗ Thông Minh tiếp lời tác giả PHT, rằng theo sự nhận xét của ông và nhà văn Giao Chỉ thì tất cả được ghi nhận ở mức độ chính xác có thể từ 90 đến 95%.

Tiếp đến là ông Nguyễn Quốc Ánh, tự giới thiệu là đảng viên Việt Tân tại DFW. Ông Ánh cám ơn tác giả đã viết lên ít nhiều sự thật: “Nghĩa là... mặt trận kháng chiến là có thật, chứ không phải như vài tờ báo cho rằng kháng chiến là giả. Tuy nhiên, nếu là đảng viên khi chưa được phép của tổ chức mà ra sách như vậy thì chỉ làm lợi cho CSVN.”

PHT trả lời: “Dân tộc Việt Nam đang bị tập đoàn CS độc tài cai trị, tất cả chỉ nói theo một chiều... Tôi đã nói rõ trong sách, ngoài kẻ thù chính của dân tộc là CSVN thì kẻ thù không kém nguy hiểm là kẻ đội lốt quốc gia, đội lốt dân chủ, phá vỡ niềm tin. Do đó, dân tộc chúng ta muốn đi lên thì phải chống luôn độc tài và những kẻ phản dân chủ. Ðối với tôi, Dân Tộc là trên hết. Mặt trận hay là gì đi nữa cũng chỉ là phương tiện. Tổ chức có chính nghĩa hay không, có thu hút được lòng người hay không thì tôi tin rằng chính trong lòng ông Ánh cũng biết.”

Một câu hỏi khác của một phụ nữ viết trên mảnh giấy, được ông Sinh đọc: “Xin nhà báo Ðỗ Thông Minh cho biết hồi đó Mặt Trận thu được bao nhiêu tiền? Hiện nay số tiền đó còn hay không và ai đang giữ tiền đó?”
ÐTM trả lời: “Tôi đi khắp mọi nơi và hầu như nơi nào cũng đặt vấn đề đó. Tôi chỉ làm chủ nhiệm, chủ bút tờ báo Kháng Chiến. Chúng tôi không biết rõ vì cả hai ông Hoàng Cơ Long và Hoàng Cơ Ðịnh đều nắm hết tiền quỹ. Chỉ biết sơ sơ vào lúc bị họ ra tòa tranh tụng, người ta cho biết thời đó Mặt Trận có trên dưới 10 triệu. Số tiền đó còn hay không, ai đang giữ thì tôi không biết.”.

Khi đề cập đến tiền, ông Nguyễn Quốc Ánh (VT) lên bục nói ngay: “Tôi nghĩ mọi chi tiêu đều có sổ sách, nhưng hiện thời chưa có thể công bố vì chúng tôi còn đấu tranh nên chưa tiện đưa ra. Thế nhưng, với cuộc kháng chiến như thế, với những hy sinh của kháng chiến quân như thế trên chiến trường, tôi nghĩ chừng đó triệu cũng không thấm vào đâu, 10 triệu, 100 triệu cũng chưa đủ! Nếu quý bà con hồi đó có đóng góp mỗi người vài chục, vài trăm... thì có đáng cho sự hy sinh đó không? Thế mà còn có người viết báo “Vàng rơi không tiếc” này nọ...”

Khi nghe đến vấn đề tiền bạc, bà Lê Lam Ngọc, một cựu đoàn viên Mặt Trận phản bác rằng: “Từ khi Mặt Trận đổ vỡ thì 2 năm sau mới có các chiến dịch Ðông Tiến. Tôi đã đọc rất kỹ hai tập sách tài liệu này, tôi thấy tiền bạc thì thu nhiều, nhưng kháng chiến quân nơi chiến khu thì đói khổ túng thiếu, phải tự kiếm cây cỏ mà ăn! Tại sao? Ðói khổ, thiếu thốn mọi bề như thế thì làm sao mà chiến đấu? Ðó là chưa nói tới tinh thần bị khủng bố, thủ tiêu như lời kể của tác giả PHT!”

Nhà văn Ðào Bá Hùng cũng góp ý ngắn gọn: “Xin ca ngợi tinh thần của quý vị. Tôi chính là tác giả của bài viết “Vàng rơi không tiếc”. Khi đăng báo, có người sợ cho sự an ninh của tôi. Nhưng khi tôi đã đặt bút xuống và nói lên sự thật thì có là Mỹ đen, Mỹ trắng hay Mỹ vàng hành thích tôi... thì tôi cũng coi như lái máy bay và bị rớt nơi chiến trường. Tuy nhiên, xin được nói thêm một lời, hồi đó nếu tôi bằng lòng với đề nghị của ông Hoàng Cơ Ðịnh để khai thác kinh tài như tiệm giặt, tiệm phở, cắt cỏ, xưởng may, tàu đánh cá... thì giờ này chắc là tôi... vẫn còn là đoàn viên của “Mặt trận”.

Trước khi chấm dứt phần giải đáp, nhà báo ÐTM có vài lời: “Ở đây chúng ta chỉ mổ xẻ trong tinh thần tương kính. Vấn đề nào cũng có hai mặt, nó như tờ giấy 2 mặt, mặt tích cực và có thể mặt kia là tiêu cực. Nếu chỉ nói mặt tích cực thôi thì nó rất xa rời thực tế. Cho nên, chúng ta cần phải chấp nhận bàn thảo cả hai mặt của một vấn đề.”

Trước khi chia tay, bà Nguyễn Hữu Ðoan Trang, một cựu thành viên yểm trợ kháng chiến, có thời gian dài sinh hoạt với Mặt Trận, đã ngỏ lời phê bình một đảng viên VT hiện diện trong buổi hội thảo là: “hơi thiếu tinh thần hòa nhã khi tranh luận”; và là “đi làm chính trị ở ngoài công cộng cần phải bình tĩnh hơn nữa mới thu phục được nhân tâm”.

Buổi ra mắt sách kết thúc vào lúc 4:30 chiều cùng ngày.
Xin trang trọng giới thiệu 2 tập sách “Hành trình người đi cứu nước” của tác giả Phạm Hoàng Tùng, với lời tựa ngắn gọn, nhưng rất súc tích: “Vì sự hưng thịnh của dân tộc Việt, nhìn nhận, tôn trong sự thật sẽ giúp mọi người Việt ngồi lại với nhau, cùng nhau xây dựng lại đất nước, thúc đẩy Việt Nam vượt lên, thoát tệ trạng chậm tiến, phi dân chủ như hiện nay.”.

                                                       Lão Gà Tre










Cảm Nghĩ Về Hồi Ký Kháng Chiến
 "Hành Trình Người Đi Cứu Nước" Của
Cựu Kháng Chiến Quân Phạm-Hoàng-Tùng

Điệp Mỹ Linh



Học Giả Đỗ Thông Minh và ông Phạm Phú Nam
 trong buổi Ra Mắt Sách ở San Jose – California – Hoa Kỳ.
    
             Hồi ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước của Phạm-Hoàng-Tùng đã được ra mắt tại Houston. Điệp-Mỹ-Linh là người duy nhất giới thiệu hồi ký này. Nhận thấy những nhận xét của Điệp-Mỹ-Linh đã làm nổi bật những góc cạnh đáng suy gẩm, Tòa Soạn (website Trúc Lâm Yên Tử) xin đăng tải để độc giả có một cái nhìn bao quát hơn đối với một tổ chức bị nhiều tai tiếng.
     
          Kính thưa quý vị,
          Trước khi vào chủ đề của buổi ra mắt hồi ký Kháng Chiến Hành Trình Người Đi Cứu Nước của cựu Kháng Chiến Quân Phạm-Hoàng-Tùng, tôi xin cảm ơn ban tổ chức đã dành cho tôi vinh dự hiếm hoi này. Và tôi cũng xin xác định, tôi chỉ sẽ nói về bộ hồi ký này chứ tôi sẽ không gián tiếp hoặc trực tiếp đề cập đến bất cứ một đoàn thể, một cá nhân hay là một tổ chức nào cả. 

         Kính thưa quý vị,
         Sau khi nhận lời của ban tổ chức tôi hơi phân vân, khó nghĩ, vì tôi chỉ là một ngòi bút tài tử. Tôi không thích và không hề tham gia vào các hoạt động chính trị, mà đây là một buổi ra mắt của bộ hồi ký mang nhiều dữ kiện chính trị thời đại. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy rằng tôi hành động đúng khi nhận lời phát biểu cảm tưởng về bộ tài liệu chính trị này; bởi vì, khi một nhà văn cầm bút viết ra một tác phẩm – dù chỉ là một tác phầm tình cảm lãng mạn lứa đôi – thì nhà văn đó đã, một phần nào đó, hé lộ chiều hướng chính trị của mình. 

           Riêng tôi, tôi nghĩ rằng độc giả của tôi cũng đã âm thầm đặt tôi vào vị thế không cùng giới tuyến với những người đã đem đau thương, tang tóc vào miền NamViệt-Nam. Một lý do khác cũng khiến tôi rất ngại ngùng, đó là tôi không nhận được sách để đọc. Đến tối thứ Năm, cách nay 3 hôm, đi làm về tôi mới nhận được cuốn thứ nhất. Khi thấy hai chữ “Bí mật” trên bìa cuốn sách, tôi hơi khựng lại. Rồi thứ Sáu tôi mới nhận được cuốn thứ hai. Trong khi đọc sách và tìm ý để viết bài thì vài người bạn, sau khi nghe đài phát thanh thông báo tôi sẽ là người giới thiệu hai cuốn hồi ký đó, đã điện thoại, khuyên tôi không nên “dính” vào hai cuốn sách này...nguy hiểm. Tôi lại suy nghĩ và lo âu, có ý muốn từ chối, không giới thiệu sách nữa. 

           Nhưng nghĩ lại, tôi tự biết tôi là người biết tự trọng, có trách nhiệm và luôn luôn tôn trọng sự thật; thêm nữa Hành Trình Người Đi Cứu Nước chỉ là những trang sách ghi lại những diễn tiến trong cuộc đời của một thanh niên, vì hoài bảo lớn, vì lòng yêu quê hương, đã dấn thân và vô tình trở thành chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử, cho nên tôi vẫn viết bài. Vậy thì, dù hôm nay nếu chỉ có một vị quan khách thôi tôi cũng sẽ vui lòng trình bày cảm nghĩ của tôi để vị đó cùng chia xẻ với tôi. Vì đây là hai cuốn sách mà ai không đọc thì người đó sẽ không tìm được những phút giây ngậm ngùi để lòng mình lắng xuống cho những xót xa, ray rức dâng trào.

           Kính thưa quý vị,
           Về hình thức, tác phẩm được trình bày rất công phu, rất đẹp, rất tỉ mỉ. Cách sắp xếp các chương theo thứ tự thời gian. Tác giả cũng có công tìm tòi nhiều chi tiết địa lý rất chi li về những vùng mà tác giả đã đi qua. Sơ đồ của các vùng chiến khu cũng được vẽ rất rõ ràng, dễ hiểu.

           Về nội dung, hồi ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước chứa đựng rất nhiều dữ kiện mà chính tác giả Phạm-Hoàng-Tùng đã trực tiếp tham dự. Vì vậy, đây không những là hồi ký của một người đã thật sự dấn thân cho đại cuộc mà đây còn là tài liệu lịch sử rất giá trị, viết về những người hùng có thật, những đau thương có thật, những dã man có thật, những cuộc đụng độ với Việt-Cộng có thật và những cái chết đầy bi hùng cũng có thật.


           Sở dĩ tôi tin những gì tác giả Phạm Hoàng Tùng viết là sự thật, vì những lý do sau đây:
           1.-Tác giả viết từ vị thế của một thanh niên đi theo tiếng gọi thầm kín của lòng yêu nước chứ không phải từ cương vị của một cấp lãnh đạo hoặc cương vị của một người viết hồi ký để đánh bóng cái “tôi” của họ rồi đổ bừa tất cả lỗi lầm cho người đã chết. Tác giả không ngại ngùng khi viết về sự rời bỏ đơn vị của chính anh khi đơn vị của anh đụng độ trận quyết liệt cuối cùng với V.C.. Và tác giả cũng rất thành thật khi viết về thân thế của anh chứ anh không hề thêm bớt hoặc vay mượn như nhiều người khác.

          2.- Văn phong của tác giả rất dung dị, chừng mực, bình thản, trầm tĩnh. Phạm-Hoàng-Tùng không nặng lời với bất cứ nhân vật nào và anh cũng không hề oán trách ai. Ngay như đối với cộng sản Việt-Nam, một tập thể bất nhân đã tạo ra không biết bao nhiêu cảnh tương tàn trên quê hương và đã đưa tác giả Phạm-Hoàng-Tùng vào lao tù mà Phạm-Hoàng-Tùng cũng chỉ vạch rõ những sai lầm, những bất nhân của họ chứ Phạm-Hoàng- Tùng cũng không thóa mạ, không dành cho họ những danh từ hạ cấp, thiếu lễ độ. Tôi nghĩ đây là tác phong của người trí thức, của người cầm bút có nhiều tự tin và tự trọng.

          3.-Phạm-Hoàng-Tùng ghi lại danh tánh và cho biết tình trạng còn sống, đã chết, mất tích hoặc còn bị cầm tù của từng Phục Quốc Quân. 

          Thưa quý vị, tôi còn nhớ, khoảng đầu thập niên 80, tại trường đại học U of H, khi cựu phó đề đốc Hoàng-Cơ-Minh cùng tổ chức của Ông trình diện trước nhiều ngàn đồng bào, tôi đã khóc vì xúc động. Tôi thầm mong Ông cũng như những người trẻ dấn thân sẽ làm được “một chút gì” cho quê hương. “Một chút gì” đó không có nghĩa là lập lại những khuôn mẫu của thời Việt-Nam Cộng-Hòa trước năm 1975 mà là “một chút gì” tốt đẹp hơn. 

          Nói đến “một chút gì” tốt đẹp cho quê hương tôi chợt nhớ đến một nhân vật chính trong truyện ngắn Cây Đàn của Thầy Dưỡng do tôi viết, dựa theo những chi tiết có thật của một người bạn của Ba tôi trong Hội Mỹ Thuật Nha trang vào thập niên 40 và cũng là vị giáo sư toán của tôi thời trung học. Tôi muốn nói đến Giáo sư Nguyễn-Hữu-Dưỡng mà ở Nha trang hầu như mọi học sinh ban Toán đều biết Thầy. Thập niên 40 Thầy Dưỡng, cũng như Ba tôi, tham gia kháng chiến. 

           Sau năm 1975, Thầy Dưỡng thành lập cơ cấu phục quốc. Sự việc bại lộ. Thầy Dưỡng bị VC. bắt và bị tra tấn rất tàn bạo. Ba tôi, sau khi mãn tù, đã vào nhà tù Nghĩa-Phú thăm người bạn xưa. Khi thấy tình trạng sức khỏe của Thầy Dưỡng quá suy sụp, Ba tôi hỏi nhỏ: “Dưỡng, mày nghĩ như thế nào về những việc mày đã làm?” Thầy Dưỡng đáp: “Tao không hối hận về tất cả những gì tao đã làm. Có điều, nếu những việc tao làm mà chỉ để lập lại ‘cái đã mất’ năm 75 thì tao không làm”. 

          Vâng, đúng như Thầy của tôi đã khẳng định: “Cái đã mất” năm 75 không phải cái nào cũng đáng tiếc và đáng quý. Và chính trong hồi ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước, ở nhiều đoạn, tác giả Phạm-Hoàng-Tùng cũng mạnh dạn vạch ra những cái không đáng quý, không đáng tiếc trong “cái đã mất” năm 75.

           Theo ý nghĩ của riêng tôi, cái đáng tiếc và đáng quý nhất trong “cái đã mất” năm 75 là sự hy sinh oan uổng của không biết bao nhiêu thanh niên miền Nam. Và, theo sự  cảm nhận cũng như những điều được tác giả Phạm-Hoàng-Tùng ghi lại trong Hành Trình Người Đi Cứu Nước, tôi nghĩ rằng sự hy sinh mạng sống và tuổi trẻ của những Kháng Chiến Quân cũng là một sự phí phạm và oan uổng!

           Trong vài đoạn tác giả có vẻ tiếc cho sự thất bại của một tổ chức kháng Cộng quy mô nhất của tập thể tị nạn mà tác giả đã đặt trọn niềm tin cũng như đã dấn thân theo đuổi – dù anh biết rõ rằng: “Đường cách mạng chỉ có một chiều: Giải phóng hay là chết!” (Trang 474).


          Nhiều đoạn tác giả diễn tả lại các trận đụng độ nặng giữa vài đơn vị Kháng Chiến với Việt-Cộng và những cái chết tuyệt “đẹp”, tưởng-chỉ-thấy-được-trong-phim-ảnh, của các vị chỉ huy trực tiếp và sau hết là của toàn Ban Lãnh Đạo Mặt Trận khiến tôi ngậm ngùi thán phục. Nhưng cũng có nhiều đoạn khiến tôi đau lòng, phải dừng lại trong phút giây rồi mới đủ can đảm đọc tiếp, vì tính chất bi phẫn đến cùng cực của sự việc do tác giả thuật lại. (Trang 492, 493, 494...).


           Cũng có nhiều đoạn tác giả viết về những vấn đề khác. Nhưng theo tôi nghĩ, tất cả những vấn đề đó đều quá nhỏ nhoi và tầm thường so với sự dấn thân, sự hy sinh và những cái chết tức tưởi, oai hùng của những chàng trai nước Việt như Nguyễn-Huy, Lưu-Minh-Hưng, Huỳnh-văn-Tiến, Lê-văn-Long, Trần-văn-Đực, Nguyễn-vĩnh-Lộc, Nguyễn-văn-Hoàng v.v. Xin quý vị hãy nghe đoạn văn ngắn này để ngậm ngùi, kính phục những người con ưu tú của Mẹ Việt-Nam: “...Còn chiến hữu Võ Hoàng, khi thấy chiến hữu Chủ Tịch tự sát đã nói: ‘Tôi không thể chết, tôi phải là nhân chứng cho sự hào hùng và bi thảm này!’ Nhưng khi anh vừa bò lên khỏi vách suối thì bị trúng nguyên một trái đạn M79 vào đầu...” (trang 662).

           Ngoài những điều như tôi đã nêu ở phần trên, Phạm-Hoàng-Tùng còn làm ray rức lòng người đọc bằng những đoạn viết về những ý nghĩ thầm kín của anh, một thanh niên trẻ, sống xa gia đình, và sống lâu trong rừng sâu núi thẳm: “Nét yểu điệu của phái nữ như có sức cuốn hút lạ lùng. Ý nghĩ tôi lại xa thoát thực tại trong phút chốc. Một chút gợi nhớ gì đó trong tôi về không gian bình yên xa vắng lâu rồi, một chút luyến tiếc hương vị nồng nàn, êm đềm nhiều cám dỗ của quá khứ ấm cúng gia đình...”(Trang 568).

          Và rồi.... “Buổi chiều đó, sau khi được tháo còng để ra giếng và ăn cơm tù. Lúc người bộ đội chưa tới phòng giam còng chân tôi lại như mọi khi, tôi tiến đến gần cửa sổ ngôi nhà sàn, có chiếc ghế cũ, chậm chạp ngồi xuống đấy, toàn thân như mềm mại hơn, hướng cặp mắt mệt mỏi, u buồn nhìn ra dòng sông Mekong trước mặt. Dòng nước chuyển dịch im lặng nhưng tràn sức mạnh, nó đang hướng về quê hương tôi tận bên dưới kia. Dòng Mekong vẫn chảy như nó đã chảy tự bao giờ, hằng trăm năm trước đây, khi không có tôi nơi đây cũng như không có những con người mà tôi được biết, được nghe nói, được chỉ dạy là đồng bào của tôi mà lại giam cầm tôi như một sinh vật mang chứng bệnh cần tránh xa, nếu có thể được, họ sẽ khai tử tôi, sinh vật tù tội, ra khỏi cuộc sống phàm tục này.

           Cảnh dòng sông im lặng giữa cái nắng nhạt dần của buổi hoàng hôn đang đến chầm chậm nhưng trong lòng tôi lại dâng tràn cơn xúc động. Những giọt nước mắt hiếm hoi tưởng chừng rất kiên nghị, ẩn sâu kín trong hốc mắt như sẵn sàng chực ứa trào ra. Tôi biết chắc rằng đoàn quân Đông Tiến sẽ bị tiêu diệt trong nay mai. Nhưng khi nghe tin chiến hữu Chủ Tịch đã nằm lại vĩnh viễn trong rừng sâu kia, bên cạnh những thanh niên trẻ – các chiến hữu của tôi – từng nuôi ước mơ đẹp, hoài bảo cao thượng, xây lại đời. Không hiểu tại sao, trong tôi dấy lên nỗi niềm bi phẫn mênh mông, nói không thành lời!...” (Trang 679).

           Tác giả Phạm-Hoàng-Tùng cũng gián tiếp cho thấy rằng không phải chỉ một mình anh mới mang trong lòng “nỗi niềm bi phẫn mênh mông” mà các cựu Kháng Chiến Quân khác, ngay trong nhà tù Cộng-Sản, cũng vẫn lén lút tổ chức ngày giỗ chủ tịch Hoàng-Cơ-Minh để có dịp nhắc lại những chuyện đau lòng ngày trước. Điều này cho thấy, mặc dù lực lượng quân sự của Mặt Trận đã tan rã, nhưng lý tưởng đấu tranh giải phóng đất nước và cái chết oai hùng của Cựu Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh cũng vẫn được nhiều cựu Kháng Chiến Quân tưởng nhớ và tôn kính.

            Kính thưa quý vị, nhân vật nổi bật nhất trong bộ hồi ký này, theo tôi nghĩ, không phải là tác giả Phạm-Hoàng-Tùng mà là cố Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh, một sĩ quan cao cấp có tác phong đứng đắn, đạo đức cao, rất thanh liêm và can cường của Hải-Quân./QLVNCH. Tôi thuộc vào đại gia đình Hải-Quân. Cho nên tôi may mắn được biết cố Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh từ ngày Ông còn là sĩ quan cấp tá. Tôi còn nhớ, thời gian Ông nhận chức Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ, mỗi khi vợ con của Ông đến thăm, đích thân Ông lái xe đi mua thức ăn về cho vợ con của Ông dùng chứ Ông không bao giờ nhờ tài xế hoặc các anh cận vệ. Mỗi khi đơn vị Thủy-Bộ nào “đụng” nặng là nghe tiếng Ông điều động trực tiếp ngay trên... đầu (trực thăng). 

            Vào tháng 03 và tháng 04-1975, Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh được chỉ định giữ những chức vụ quan trọng như thay thế Tướng Phan-Đình-Niệm ở chức vụ Tư-Lệnh chiến trường Bình-Định và sau đó Ông được bổ nhiệm kiêm luôn chức vụ Tổng-Trấn Qui-Nhơn trong nhiệm vụ phối trí các lực lượng, đổ quân vào tái chiếm Qui-Nhơn....(Theo cuốn tài liệu lịch sử Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 của Điệp-Mỹ-Linh). Và, Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh đã tìm một cái chết rất oai hùng!

           Cái chết hào hùng của Ông Hoàng-Cơ-Minh cũng như của các Kháng Chiến Quân trong hồi ký của Phạm-Hoàng-Tùng khiến tôi nhớ đến 3 cái chết tưởng như không thật của cố Hải-Quân Thiếu Tá Lê-Anh-Tuấn, người đã tuẩn tiết trên chiến đỉnh, bên bờ sông Vàm Cỏ đêm 30-04 rạng ngày 01 tháng 05-1975; cố Hải-Quân Thiếu Tá Đặng-Hữu-Thân, người bị Việt-Cộng xử bắn tại trại tù A30 về tội thành lập tổ chức Phục-Quốc; và cố Hải-Quân. Trung Tá Ngụy-Văn-Thà, người đã chết theo chiến hạm HQ.10 trong trận hải chiến với Trung-Cộng tại Hoàng Sa. 

           Ai rồi phải cũng chết. Nhưng như Garnier đã nói: “Ai chết cho quê hương thì sống đời đời.”

           Riêng về tác giả Phạm-Hoàng-Tùng, sau khi đọc xong hai cuốn sách, tôi nghĩ, quý vị cũng sẽ như tôi, đều thấy rằng Phạm-Hoàng-Tùng không những là một Kháng Chiến Quân, một nhà báo làm việc cho nhiều đài phát thanh mà còn là một nhà văn chuyên nghiệp nữa; bởi vì chỉ có nhà văn chuyên nghiệp mới đủ khả năng diễn đạt được những rung động thầm kín, sâu xa của mình để làm ray rức lòng người đọc. Tôi, sau hai đêm đọc xong hơn 900 trang sách, chữ nhỏ, lòng cứ ray rức, bồi hồi. Tôi tự hỏi tại sao với những dữ kiện sống thực như vậy mà tác giả Phạm-Hoàng-Tùng đợi đến bây giờ mới phổ biến? Tại sao tác giả không khai triễn thành một trường thiên và dựng thành phim? 

          Những ai chưa đọc hai cuốn sách này thì xin người đó đừng vội kết tội Phạm-Hoàng-Tùng là tay sai của Việt-Cộng, được V.C. thả tù sớm để viết sách làm hoang mang, lũng đoạn và phân hóa cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Sự thật thì Phạm-Hoàng-Tùng vượt thoát trại tù – sự kiện này không phải là hiếm hoi, bởi vì nhiều tù nhân chính trị, như Lý Tống, cũng đã vượt thoát và thành công chứ không phải một mình Phạm-Hoàng-Tùng. Và, cũng trong hai cuốn sách này, Phạm Hoàng Tùng đã vạch ra nhiều tội ác của VC như việc xua thanh niên VN xâm lăng các nước lân bang.

          Nói tóm lại, hồi ký này như là một tác phẩm điêu khắc hay là một xã hội thu hẹp. Tùy vị thế, nhãn quan và cảm quan của mỗi người mà nhìn ra những nét đẹp, những nét hùng vĩ hoặc những dị dạng của nó. Riêng tôi, tôi đã nhận ra những nét hùng vĩ. Và tôi đã tìm thấy những sự kiện lịch sử rất hào hùng nhưng không kém phần bi thảm của những thanh niên cùng thời đại với chúng ta.
         Đến đây tôi xin dứt lời.

ĐIỆP-MỸ-LINH.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét