Bất Bạo Động Đồng Nghĩa Với Độc Tài Cộng Sản Muôn Năm! Người Việt Phải Hành Động Để Tự Cứu Mình! Đừng Trông Chờ Bất Kỳ Ai. Blog hoạt động từ ngày 28 tháng 2 năm 2.012

Mặt Trận Hành Hình Kháng Chiến Quân Lưu Tuấn Hùng Trong Rừng Núi Khu Chiến

Mỗi người được tạo hóa ban cho duy nhất một cuộc sống trân quí. Không có bất kỳ ai nhân danh một chủ thuyết nào, một hệ tư tưởng nào, một chính nghĩa tranh đấu nào để mà xuống tay tàn độc đối với đồng loại đồng bào đồng hương của họ.

Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam hay Mặt Trận Hoàng Cơ Minh còn được gọi là Việt Tân đã nhân danh đại cuộc đấu tranh chống Cộng Sản độc tài để có độc quyền hành hình các kháng chiến quân yêu nước trong khu chiến.

Còn những người cầm đầu Mặt Trận hay Việt Tân mang tội giết người, tham nhũng, đục khoét công quĩ, chứa chấp tệ nạn gia đình trị trong Đảng Canh Tân Cách Mạng Việt Nam (Việt Tân) thì lại sống tự do sung sướng ngoài vòng pháp luật. Đây là cái gì khi lương tâm con người tự hỏi???

Chỉ có kẻ sống bằng cái đầu người khác, chỉ có ai đồng lõa với cái ác mới lặng thinh hay hót theo kẻ giết người!!!

Ngày 12/11/2.015

Phạm Hoàng Tùng – Nhà Sáng Lập Chủ Thuyết Dân Quốc Việt và Liên Minh Dân Việt Hành Động Vì Hiến Pháp Tự Do.


Trích từ Hồi Ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước.

Trích từ Hồi Ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước.

Hình minh họa tội ác giết đồng loại
nhân danh hòa bình!!!

Hình của Đài Truyền hình Mỹ PBS dựa theo
Hồi Ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước

Định Mệnh Đen Tối Đã Dành Cho Lưu Tuấn Hùng,
Một Người Bạn Không Thân Của Tác Giả
Khi Còn Hoạt Động Cho MT Trong Trại Tỵ Nạn Sikhiu.

Lưu Tuấn Hùng trong khóa C.2 chúng tôi cũng không thoát khỏi định mệnh đen tối trong khu chiến, dường như đợi anh, dành sẵn cho anh.

Vào tháng 2 năm 1984, khi bước vào khu chiến, một thời gian ngắn, sau khi thụ huấn xong khóa học căn bản của người kháng chiến quân Việt Nam, lúc tôi đang công tác ở tiền đồn Tây Đô tại căn cứ 81, đó cũng là thời gian anh em trong khóa C.2 được cấp trên phổ biến tin tức về hành động sai trái của Lưu Tuấn Hùng.

Theo sự phổ biến công khai tội trạng này, Lưu Tuấn Hùng khi còn làm công tác tuyển mộ kháng chiến quân tại trại tỵ nạn Si Khiu - Thái Lan, đã lường gạt và tham ô tiền bạc của MT, do chiến hữu Nguyễn Kim đại diện cho MT lúc đó giao cho.

Ngoài ra, khi vào khu chiến, Lưu Tuấn Hùng đã không an tâm công tác như các kháng chiến quân khác, trái lại Hùng đưa ra điều kiện là MT phải cho anh đi về Việt Nam công tác cho MT ngay, hoặc cho Hùng quay lại trại tỵ nạn làm công việc tuyển mộ tiếp.

Khi MT không thể thỏa mãn các điều kiện do Hùng nêu lên vì MT luôn muốn giữ kín vị trí đã được chọn để thiết lập khu chiến, giữ kín sinh hoạt cùng số lượng kháng chiến quân trong khu chiến để cộng đồng VN lưu vong và ngay cả bạo quyền Hà Nội không thể đánh giá thực lực.

Khi biết MT im lặng và không thể nào thỏa mãn được cũng như không bao giờ muốn thỏa mãn các điều kiện của mình, Lưu Tuấn Hùng chán chường, thất vọng cuộc sống trong khu chiến mà anh đã quyết định chọn đi vào nơi này một cách bồng bột khi đang chịu cảnh bị giam trong trại tỵ nạn Sikiu.

Sau đó, Lưu Tuấn Hùng rủ rê một chiến hữu đang ở gần Hùng, hãy bỏ khu chiến, trốn về trại tỵ nạn vì Hùng khá giỏi tiếng Thái. Chiến hữu này đem chuyện Hùng dự tính bỏ trốn hàng ngũ kháng chiến quân, báo cáo lên cấp trên. Thế là Hùng bi xiềng chân, có lúc bị bịt mắt, như là một hình thức tạm giam tại tiền đồn Bạch Mã, chờ quyết định thi hành kỷ luật của MT.

Một buổi sáng nọ khi dưới vòm cây rừng cao thẳng tắp còn phủ một màn sương mỏng, khoảng tháng 3 năm 1984, các kháng chiến quân trong khóa C.2 đang đứng trò chuyện giây lát, có người ngồi dựa gốc cây hút một điếu thuốc rê sau bữa cơm sáng, chờ tập hợp nhận công tác trong ngày, trên bãi đất nhỏ, gần nhà bếp tập thể, dọc theo con đường mòn đi xuống tiền đồn Hồng Lĩnh ở hướng Nam căn cứ 81…

Tôi bỗng thấy chiến hữu Nguyễn Huy, Kháng Đoàn Trưởng, tay cầm cây gậy chỉ huy, mặc cái áo ấm của quân đội miền Nam trước đây, áo dầy, dài thân, dài tay, có dây kéo thẳng từ cổ áo xuống đến bên dưới. Cổ áo trong của anh vẫn mang cấp bậc Kháng Đoàn như thường lệ, đó là một khung vải hình chữ nhật nhỏ bằng ngón tay cái, màu đỏ thẫm.

Anh Huy bước đi ngang toán chúng tôi, cách chừng 4 thước, với thái độ vội vàng, gương mặt anh im lặng, nghiêm trang, cặp mắt liếc xéo về phía chúng tôi, không kém phần đe dọa. Bước chân chiến hữu Huy hướng vào khu vực cấm bên trong của căn cứ 81 dành riêng cho lãnh đạo MT cũng như lãnh đạo Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến.

Lát sau, tôi nghe các tiếng động hơi lạ tai, dường như âm thanh của kim loại va chạm nhau và bị kéo lê trên đất nên mới vang lên tiếng kêu đó, nhưng lịnh cho biết là phải quay mặt vào trong không được nhìn ra ngoài đường mòn.

Âm thanh khác lạ, hiếm nghe được trong khu chiến (đối với tôi vào lúc đó), khung cảnh hơi xáo động bất thường vào buổi sáng tinh mơ lạnh lẽo, thái độ mập mờ khó hiểu của chiến hữu Kháng Đoàn Trưởng vừa bày ra trước mắt khiến anh em trong khóa C.2 im lặng ngó nhau, có người lộ chút lo âu, có người phóng ra ánh mắt hơi sợ hãi, có người cúi đầu băn khoăn suy nghĩ mông lung.

Sau này tôi mới biết, là án tử hình đã được quyết định cho Lưu Tuấn Hùng. Và lúc hai tai tôi nghe tiếng xích sắt va chạm nhau do chân người bước kéo lê trên đất, là lúc Lưu Tuấn Hùng bị anh em canh gác dẫn đưa đến vị trí thi hành bản án.

Không hơn nửa tiếng sau, anh em trong khóa C.2 chúng tôi được lịnh cấp trên di chuyển đến địa điểm xử bắn Lưu Tuấn Hùng. Nơi này là bãi cỏ tranh khá rộng, không xa tiền đồn Hồng Lĩnh ở hướng Nam căn cứ tiền tiêu 81. Ra đến bãi bắn, ngoài anh em trong khóa C.2 với gần 20 người, tôi còn thấy có nhiều chiến hữu khác trong căn cứ.

Đội hành quyết gồm 6 kháng chiến quân, cạnh đó có chiến hữu Đội Trưởng đội hành quyết có nhiệm vụ bắn phát súng ân huệ sau cùng. Lúc đó chiến hữu Trần Văn Hùng tức Hùng sún làm đội trưởng đội hành quyết.

Trong 6 chiến hữu thuộc đội hành quyết, tôi còn nhớ một chiến hữu có tên là Hoàng, anh em thường gọi ông là Hoàng công binh, do vì công việc của ông là làm thợ mộc trong khu chiến, và vì có tật ở chân, nên anh em trong khu chiến còn gọi ông Hoàng là Hoàng què.

Anh em trong khóa C.2 chúng tôi được chỉ định ngồi xếp bằng trên mặt đất, vị trí ở phía sau lưng đội hành quyết. Hôm đó chúng tôi đa số mặc quần áo bà ba đen, còn cầm giáo, chưa được phát súng. Từ vị trí ngồi này, chúng tôi có thể thấy được toàn cảnh vị trí tử hình người chiến hữu mình, Lưu Tuấn Hùng.

Đội hành quyết tử tội mang trang phục khác nhau nhưng nghiêm chỉnh. Có người mặc đồ Dù, có người mặc áo bà ba, quần rằn ri, có người mặc nguyên bộ bà ba đen, cổ quấn khăn rằn, có người mang dép kháng chiến, người mang bata cũ, người mang súng AK. 47, người mang khẩu Carbin, trên ngực đeo một dây đạn bằng vải thô, dầy cứng, có chừng hai băng đạn dự phòng, ôm sát vào người.

Theo chỉ thị của chiến hữu Đội Trưởng, mỗi anh em trong đội hành quyết sẽ phải bắn ba phát vào tội nhân đang đứng trước mặt. Phát sau cùng dành cho viên Đội Trưởng.

Tôi thấy Lưu Tuấn Hùng đang bị cột hai tay ra phía sau, anh đứng tựa vào một thân cây rừng, được cắm trồng sâu xuống đất, ở gần miệng hố mới đào lên không lâu, hố này được coi như lỗ huyệt chôn cất tội nhân sau khi bản án được thi hành.

Hùng bị bịt hai mắt, người anh vẫn mặc cái áo vải màu trắng mịn, tốt và quần xanh da trời với hai ống túm ở phần gần mắt cá. Bộ quần áo này, tôi còn nhớ anh đã mặc nó hôm rời trại tỵ nạn Sikhiu đi vào khu chiến. Tay Hùng vẫn được cho mang cái đồng hồ dây trắng, mặt hình chữ nhật cũng màu trắng.

Các trang phục dân sự này được mua sắm, ăn mặc trong trại tỵ nạn, khi vào khu chiến, mỗi tân khóa sinh đã giao lại hết cho cán bộ đời sống khu chiến, vì nó không còn thích hợp trong rừng núi.

Tuy nhiên, do trường hợp của Lưu Tuấn Hùng, khi mới vào khu chiến đã nảy sinh vấn đề khác thường, nên quần áo, đồ đạc của anh được giữ lại một chỗ. Và khi lịnh thi hành kỷ luật Hùng được ban ra, những đồ vật cũ của Hùng được trao trả lại cho anh.

Người Đội Trưởng đứng nghiêm phía trước, bên phải đội hành quyết, không đọc bản án mà chỉ hô lớn: “Chuẩn bị”. Cả toán hành quyết, tay cầm súng đứng trong tư thế nghiêm, mắt ngó thẳng về phía trước.

Chiến hữu Đội Trưởng lại hô to: “Sẳn sàng”. Cả toán hành quyết cùng quỳ một chân phải xuống, chĩa nòng súng về phía Lưu Tuấn Hùng và lên đạn... rốp... rốp. Chiến hữu đội trưởng lại thét lên: “Bắn”. Tai tôi nghe tiếng súng nổ vang, đùng... đùng... đùng...

Mắt tôi thấy thân hình người bạn mình bị ghim bởi những viên đạn, đầu, mình, chân anh đều bị trúng đạn. Một chân bên trái của Hùng đong đưa nhè nhẹ, do một viên đạn trúng ngay đầu gối. Nhanh chóng kết thúc bản án, chiến hữu Hùng sún rút khẩu súng ngắn đeo bên hông, bước ngay tới bên cạnh Lưu Tuấn Hùng, kê nòng súng vào ngay màng tang, bắn một phát kết liểu đời anh. Hùng ngoẹo đầu sang một bên.

Có một chiến hữu nào đó, nhanh chóng tiến tới tháo dây trói tay Hùng và đẩy anh té xuống hố, rồi thêm vài anh em nữa, dùng xẻng xúc đất lấp miệng hố lại. Công việc thực hiện một bản án tử hình do MT đề ra đã hoàn tất. Mọi người trở về căn cứ và tiếp tục công việc thường nhật.

Tôi không biết những khóa học khác, trong trường hợp có một đồng khóa bị thi hành kỷ luật, anh em có nhận được lịnh di chuyển đến nơi xử bắn, để mục kích tường tận sự việc hay không? Riêng khóa C.2 chúng tôi đã nhận được lịnh cấp trên như các ghi nhận bên trên. Không biết đây là hàm ý gì của MT? Một nguyên tắc khi thi hành một bản án? Hay đó là một sự cảnh cáo ngầm những anh em còn lại?  

Lưu Tuấn Hùng đã ra đi như thế, từ giả cuộc sống trần tục này. Một thế giới phiền tạp, chính tà lẫn lộn. Xin linh hồn anh hãy tha thứ cho đồng đội chiến hữu mình. Cầu nguyện cho hồn anh được thảnh thơi nơi cõi hư không miên viễn, nơi cõi bình yên vĩnh hằng, không tranh chấp, không danh lợi, không oán thù giết hại nhau!!!

Bẵng đi một thời gian khá lâu, có thể là hơn một năm trời, cái chết của Lưu Tuấn Hùng bỗng được nhắc lại qua câu chuyện của chiến hữu Sự hay còn được anh em trong khu chiến gọi thân mật là ông già Sự chăn bò.

Ông già Sự là một người thuộc sắc tộc Khmer Nam Bộ, ông vượt biên qua Cambodia rồi vào trại tỵ nạn đường bộ, sau đó vì lòng nhiệt tình, ông tự nguyện tham gia kháng chiến. Do vì có tuổi và không có nhiều sức khỏe, vào khu chiến một thời gian, ông Sự được phân công trông nom đàn bò của khu chiến.

Hàng ngày chiến hữu Sự thả bò từ căn cứ 81, theo hướng Nam xuống khu vực gần tiền đồn Hồng Lĩnh cho bò ăn cỏ. Nói là đàn bò, thực ra chỉ có chừng ba, bốn con.

Công việc của chiến hữu Sự suốt trong những tháng năm ông sống trong khu chiến, là sáng sớm ăn cơm xong, bỏ phần cơm trưa vào một bọc vải, cầm cây roi đánh bò, lùa bò ra khỏi chuồng, từ đó đưa bò đi đến phần đất cấp trên chỉ định cho ông. Chiều gần tối, ông già Sự lùa bò về chuồng và đến cấp trên báo cáo công việc. Rồi dùng cơm tối, sau đó nhận ca gác đêm.

Có một hôm, khi đang đi rong gần đám tranh coi bò ăn cỏ, ông già Sự bỗng thấy vài con chó trong khu chiến đang giành nhau, gặm tha một vật gì, ngó kỹ lại, ông Sự thấy đó là những khúc xương.

Theo dấu chó gặm tha, ông thấy thêm có những mảnh vải mục đã quá cũ hầu như sắp biến thành đất, nhưng có một vật giá trị là chiếc đồng hồ đeo tay, mặc dù đã rỉ sét vì bị chôn vùi dưới mặt đất lâu ngày. Khi mang về căn cứ báo lại cho những anh em trong đơn vị, ông Sự mới biết đó là cái đồng hồ của Lưu Tuấn Hùng.

Sự thực cái hố đào chôn xác Lưu Tuấn Hùng không phải quá nông như một cái mộ lộ thiên. Tuy nhiên, theo thời gian, vì mưa rừng nên dòng nước chảy đã làm lộ, làm xói mòn miệng hố. Thú rừng hoang dã lang thang đi kiếm mồi ăn trong rừng vắng, sẽ không từ bỏ con mồi dù là xác chết đã lâu ngày.

Chuyện chó tha xương, chỉ là giai đoạn 2, sau khi nấm huyệt vô chủ đã bị thú rừng như heo rừng, kỳ đà đào bới, lục lọi, phá tan nát. Trong khu chiến, chỉ những anh em chết vì MT, vì đang thi hành công tác, vì bị việt cộng phục kích giết, thì mới được chôn cất tử tế, được nhang đèn, hoa quả mỗi ngày, mỗi tháng.

Còn những người là kháng chiến quân bị kỷ luật, bị xử bắn, nếu anh em còn sống biết đích xác lỗ huyệt nơi lấp vội vàng thân xác người tử tội, cũng không dám đến đốt nhang, cúng bái người đã khuất. MT không có lịnh cấm hẳn hoi, nhưng làm điều đó trong khu chiến, nếu cấp trên biết được, không có lợi gì cho người còn sống trong môi trường khu chiến do MT quản trị.

Câu chuyện ông già Sư đi chăn bò lượm được chiếc đồng hồ của Lưu Tuấn Hùng được khẩu truyền trong căn cứ 81 và rồi lan rộng ra khắp khu chiến. Từ đó hầu như không có anh em nào dám ăn thịt chó nữa.

Và sau sự kiện đặc công việt cộng đột kích vào tiền đồn Hải Vân, để tránh những tiếng động gây cho địch chú ý, lịnh giết hết chó trong khu chiến được ban hành. Trước đây, do vì để đi săn mồi, cũng như nuôi chó giữ tiền đồn và giải sầu, chó trong khu chiến được anh em kháng chiến quân nuôi vài con ở mỗi tiền đồn, sau đó chúng cứ sanh sản nhiều thêm ra, và từ đó cũng có món thịt chó trong đời sống khu chiến, vốn thiếu món thịt tươi.

Trích từ Chương 23-Hồi Ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước.

Tác Giả Phạm Hoàng Tùng.













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét